Bộ Tài chính Mỹ:

Hạn chế đầu tư các nước tìm cách đánh cắp công nghệ của Mỹ

Theo TTXVN

Những biện pháp hạn chế đầu tư sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ không chỉ nhằm cụ thể vào Trung Quốc mà sẽ áp dụng với tất cả các quốc gia đang tìm cách đánh cắp công nghệ của Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cùng với tuyên bố trên, trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 25/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đồng thời bác bỏ các tin đồn về việc Mỹ hạn chế đầu tư Trung Quốc, do hãng Bloomberg và tờ Wall Street Journal đăng tải và gọi những tin này "là tin sai lệch, giả mạo".

Ông khẳng định những những thông tin này thậm chí còn không tồn tại hoặc từ những người không nắm rõ tình hình. Như vậy, những thông báo mới của ông Mnuchin mâu thuẫn với thông báo trước đó của Nhà Trắng về việc các biện pháp hạn chế đầu tư tới đây sẽ chỉ nhằm vào Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố các kế hoạch áp thuế cao với các mặt hành nhập khẩu từ Trung Quốc và tới ngày 30/6 sẽ đưa ra những biện pháp hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc có liên quan tới những hoạt động sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ quan trọng.

Hôm 25/6, các báo Wall Street Journal và Bloomberg News dẫn một số nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ đang xem xét những biện pháp hạn chế đầu tư Trung Quốc theo đạo luật về Những Quyền hạn kinh tế nước ngoài khẩn cấp, qua đó cho phép tổng thống điều phối thương mại nhằm ứngphó với những mối đe dọa từ nước ngoài.

Những biện pháp kiểu này từng được Chính phủ Mỹ sử dụng trong khi ứng phó với các cuộc xung đột có vũ khí, buôn bán thuốc phiện hay bất ổn chính trị.

Báo Wall Street Journal còn cho biết những biện pháp hạn chế mới sẽ được áp dụng với các công ty có ít nhất 25% quyền sở hữu của Trung Quốc.

Như vậy, trong tuần này, Tổng thống Trump sẽ đưa ra những biện pháp mới trong chính sách thương mại với Trung Quốc. Giới phân tích lo ngại đây sẽ là động thái đánh dấu một cấp độ can thiệp mới của chính phủ với thị trường tự do, một bước đi cực đoan có thể gây hại cho cả hai bên.

Trong khi đó, hãng tin CNBC của Mỹ ngày 25/6 dẫn nhiều nguồn tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định không ngần ngại trả đũa Mỹ trong vấn đề thương mại.

Phát biểu trước Hội đồng CEO Toàn cầu, một nhóm do Trung Quốc tổ chức gồm khoảng 20 giám đốc điều hành từ hầu hết các tập đoàn đa quốc gia phương Tây như Goldman Sachs và Volkswagen, nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Hãng này cũng trích lời một quan chức cấp cao giấu tên cho hay: “Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ sức ép bên ngoài nào và sẽ không ăn trái đắng. Đó là nguyên tắc đàm phán mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra”.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong vài tuần trở lại đây, khi chính quyền Tổng thống Trump công bố danh sách các mặt hàng tổng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25%, với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.

Bắc Kinh sau đó có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng trị giá. Ngày 18/6, Tổng thống Trump tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD.

Những tranh cãi này đẩy hai nước tiến gần hơn một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Những diễn biến mới đang phủ bóng đen nên nền kinh tế toàn cầu. Các thị trường chứng khoán xuất hiện tình trạng bán tháo cổ phiếu do các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nên fkinh tế hàng đầu thế giới.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm 2% so với phiên giao dịch ngày 22/6 . Ngay sau khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navaro xuất hiện trong buổi phỏng vấn với CNBC để trấn an nhà dầu tư và khẳng định nền kinh tế đang tiến tới nơi "đẹp đẽ" chỉ có trong mơ đã góp phần hãm lại đà giảm này.

Chốt phiên giao dịch chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3% tương đương 325 điểm.