Hàng hóa và lưu thông dòng vốn thị trường chứng khoán

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chú trọng phát triển hàng hóa và khơi thông dòng vốn cho thị trường chứng khoán là những nhóm giải pháp trọng tâm trong năm nay của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bên cạnh đó, cùng với quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa và đưa doanh nghiệp lên niêm yết của Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần có những cơ chế linh hoạt và thông thoáng hơn trong tháo gỡ vướng mắc về định giá và chào bán cổ phần của những doanh nghiệp cổ phần hóa.

Hàng hóa và lưu thông dòng vốn thị trường chứng khoán
Chú trọng phát triển hàng hóa và khơi thông dòng vốn cho thị trường chứng khoán là những nhóm giải pháp trọng tâm trong năm nay. Nguồn: internet
Theo đánh giá của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán năm 2013 đã có những diễn biến khả quan nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2013, mức vốn hóa thị trường đạt hơn 960.000 tỷ đồng, tương đương 31% GDP và đạt mức tăng gần 200.000 tỷ đồng so với 2012. Tổng giá trị huy động vốn trên thị trường đạt hơn 240.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2012 và chiếm 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết cũng đạt hơn 24.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dòng vốn từ kênh ngân hàng gặp khó khăn.

Sang năm 2014, với những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục kinh tế vĩ mô ngay từ đầu năm, dòng vốn vào thị trường chứng khoán 2 tháng qua đã có sự gia tăng tích cực. Đặc biệt, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2 vừa qua, thị trường đã xác lập khối lượng giao dịch cao nhất từ trước đến nay, khi tổng khối lượng giao dịch trên hai sở chứng khoán nước ta đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể hơn 3 phiên giao dịch với khối lượng hơn 3.000 tỷ trước đó. Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VietFun Trần Thanh Tân cho rằng, nếu nhìn vào lượng giao dịch chứng khoán thì lượng vốn không nhỏ. Cổ phần hóa hiện nay phần lớn tập trung vào các tổng công ty then chốt trong nền kinh tế, nếu có chính sách hợp lý, quan tâm quyền lợi cả nhà đầu tư và công ty cổ phần hóa thì chắc chắn việc cổ phần hóa sẽ làm nhanh và hiệu quả

Thông điệp “Ai chần chừ cổ phần hóa, mời làm việc khác” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa. Cổ phần hóa được đẩy mạnh không những cung cấp thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán, mà còn tạo ra bước đổi mới trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, góp phần cho việc ổn định và phát triển của kinh tế vĩ mô. Mặt khác, khi kinh tế vĩ mô tốt sẽ tác động gián tiếp trở lại thị trường chứng khoán.

Về giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng hiện nay có vướng mắc là chào giá cổ phiếu dưới mệnh giá và lỗ không được chào bán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẵn sàng phối hợp các cơ quan có liên quan ban hành quy định phù hợp đặc thù cổ phần hóa, làm sao không bó quy định chứng khoán là chào dưới mệnh giá hay lỗ, tạo giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy cổ phần hóa nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương của Chính phủ.

Một trong những nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa những năm qua diễn ra chậm là do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới tác động khiến giá chứng khoán giảm mạnh. Nhưng giá cổ phiếu bán ra của doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn phải đảm bảo nguyên tắc là không làm thất thoát vốn Nhà nước. Do đó, doanh nghiệp lẩn tránh cổ phần hóa vì định giá cổ phần hóa theo giá hình thành ban đầu thì không thể bán được cổ phần. Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm kiến nghị, khả năng khôi phục phát triển hiện nay của cổ phiếu bị hạn chế, có chủ trương bán dưới giá, vì vậy cần có hội đồng xác định giá trị mất đi  hoặc giá trị thấp thì tính chính xác sẽ cao hơn và trách nhiệm được chia sẻ hơn.

Theo đó, hội đồng định giá cổ phiếu không cần phải là một tổ chức ổn định như Công ty quản lý tài sản VAMC, mà đơn giản hơn, dựa trên hội đồng định giá cổ phần hóa có sẵn của doanh nghiệp, chỉ cần có thêm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan. Như vậy, Chính phủ cần sớm có những quyết sách đột phá để khơi thông vướng mắc về định giá và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Song song với đó, Nghị định 108 năm 2013 của Chính phủ cũng đã có hiệu lực thi hành, quy định doanh nghiệp cổ phần hóa đã chào bán chứng khoán ra công chúng sau 1 năm phải lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức. Những quyết sách này sẽ tạo nguồn hàng mới có chất lượng và tạo nên bước phát triển mới cho thị trường chứng khoán nước ta.