Xuất khu, nhập khu của Việt Nam giai đoạn 2010 đến nay

Xuất khẩu

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,6 tỷ USD tăng 25,5% so với năm 2009. Năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm và cạnh tranh ngày càng khốc liệt ít nhiều đã có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt 96,91 tỷ USD gấp 122,8 lần năm 1986 và 6,7 lần năm 2000.

Năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 chuyển dịch khá mạnh. Khu vực FDI là "đầu tàu" xuất khẩu nhưng việc xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm các mặt hàng gia công, thực thu ít ngoại tệ: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...

Năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 2013 tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Xuất khẩu của khu vực này trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu: Năm 2011 chiếm 56,9% và tăng 41%; năm 2012 chiếm 63,1% và tăng 31,1%; năm 2013 chiếm 61,4% và tăng 22,4%.

4 tháng đầu năm 2014, tính chung kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,3 tỷ USD, tăng 17,2%.

Nhập khẩu

Năm 2010, nhập khẩu cả nước đạt 84 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009, trong đó DN trong nước nhập khẩu 47,5 tỷ USD chiếm 56,6% tổng kim ngạch tăng 8,3% so với năm 2009, các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 36,5 tỷ USD chiếm 43,4% tổng kim ngạch và tăng 39,9% so với năm 2009.

Năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 106,75 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2010 và vượt kế hoạch 14,2%. Năm 2012, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 113,79 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011.

Năm 2013, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 56,8 tỷ USD, tăng 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,5 tỷ USD, tăng 24,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 tăng 18,3% so với năm 2012.

Cũng như hoạt động xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh và kim ngạch chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu: Năm 2011 nhập khẩu của khu vực này chiếm 45,7% và tăng 32,1%; năm 2012 chiếm 52,7% và tăng 22,7%; năm 2013 chiếm 56,7% và tăng 24,2%.

4 tháng đầu năm, tính chung kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 18,8 tỷ USD, chiếm 41,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26,3 tỷ USD, chiếm 58,3%, tăng 18,2%.

Qua thực tế xuất khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến 4 tháng đầu năm 2014, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, quy mô cơ cấu hàng xuất khẩu có những chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn chưa có được quy mô tương xứng với tiềm năng, chưa tận dụng được cơ hội và phát huy những lợi thế sau 6 năm ra nhập WTO. Kim ngạch xuất khẩu còn thấp so với các nước trong khu vực, đặc biệt là tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên một người dân. Năm 2011, Việt Nam đạt 1.082 USD/người và năm 2012 đạt 1.259 USD/người trong khi đó mức bình quân của thế giới đã trên 1.400 USD/người.

Thứ hai, chất lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều hạn chế, các DN chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín hàng xuất khẩu.

Nhiều DN Việt Nam còn chưa đáp ứng được các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định về chất lượng. Trước xu thế hội nhập toàn cầu, làn sóng nhập khẩu đang phát triển mạnh mẽ, thì tất cả các nước phải có các "chiêu bài" để bảo vệ các DN sản xuất trong nước. Một trong những "chiêu bài" đó là đề ra những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào thuế quan. DN Việt còn sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, chí phí nguyên vật liệu cao, năng suất lao động thấp do đó chi phí kinh doanh cao nên lợi nhuận thấp, không có nguồn lực để phát triển

Thứ ba, nhiều DN thiếu hiểu biết về pháp luật, thông lệ quốc tế, thiếu thông tin và không tích cực tìm hiểu những quy định của các nước nhập khẩu hay những quy định của tổ chức thương mại thế. Chính sự thiếu hiểu biết này đã gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu Việt Nam, làm hạn chế khả năng kinh doanh của DN như việc DN nước ta từng bị kiện bán phá giá cá tra, cá basa, tôm, giày da…

Thứ tư, trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng nguyên liệu, khoáng sản, hàng nông sản, thủy sản gia công còn lớn và chế biến chủ yếu vẫn là gia công như dệt may, giầy dép, máy tính và linh kiện điện tử. Như vậy, sau 6 năm gia nhập WTO Việt Nam vẫn chưa có đột phá nào về các mặt hàng xuất khẩu. Trong 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của năm 2011 và 2012, thực sự chưa có mặt hàng nào là “sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao”, mang lại giá trị gia tăng cao.

Hàng rào phi thuế quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu: Thực trạng và khuyến nghị - Ảnh 1

Rảo cản từ hàng rào phi thuế quan đến xuất khẩu của Việt Nam

Hàng rào phi thuế quan là những biện pháp phi thuế do chính phủ một số quốc gia đặt ra để bảo vệ hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu không vượt quá số lượng đã ấn định, giới hạn hàng nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước.

Biện pháp hạn chế định lượng là một trong những hàng rào phi thuế mà hàng hoá và DN Việt Nam sẽ gặp phải khi thâm nhập vào thị trường quốc tế. Ðây là biện pháp nhằm trực tiếp giới hạn khối lượng hoặc giá trị hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia, do đó có tính chất bảo hộ rất cao. Các biện pháp bao gồm:

Thứ nhất, cấm nhập khẩu. Các nước trên thế giới chỉ được sử dụng biện pháp này vì mục tiêu bảo vệ đạo đức công cộng, sức khoẻ con người, tài nguyên thiên nhiên, an ninh quốc phòng... Vì thế, những hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu của các quốc gia thường là vũ khí, đạn dược... nhưng nhìn chung hàng xuất khẩu của Việt Nam ít bị hạn chế bởi biện pháp này do quy định của các nước nhập khẩu khá phù hợp.

Thứ hai, hạn ngạch nhập khẩu. Các nước thường đặt ra mức nhập khẩu cho một số loại hàng hoá trong một thời kỳ nhất định. Trong xu hướng tự do hoá thương mại, các nước cũng đã dần xoá bỏ cơ chế hạn ngạch. Tuy nhiên, đến nay hạn ngạch vẫn được áp dụng phổ biến trong hai lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu là dệt may và nông sản. Vì thế, Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập vào thị trường của các nước áp dụng biện pháp này.

Thứ ba, sử dụng giấy phép. Theo chế độ này, hàng hóa muốn thâm nhập vào lãnh thổ của một nước phải xin giấy phép nhập khẩu của cơ quan chức năng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan và Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn do biện pháp này gây ra.

Ngoài các biện pháp hạn chế định lượng, các biện pháp quản lý về giá cũng là một trong những rào cản với hàng hóa và DN Việt Nam. Ðây có thể coi là một trong những biện pháp liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế hải quan có thể được sử dụng như một công cụ gián tiếp bảo hộ sản xuất trong nước. Trị giá tính thuế hải quan cao hay thấp sẽ tác động trực tiếp đến khoản thuế nhập khẩu các DN phải nộp và qua đó tác động lên giá bán của sản phẩm Việt Nam tại thị trường nước nhập khẩu. Theo thống kê mới nhất đến nay, hầu hết các nước đã áp dụng Hiệp định về định giá hải quan của WTO để tính thuế nhập khẩu. Theo đó, giá tính thuế sẽ là giá thực trả hoặc sẽ phải trả khi hàng được bán từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật là một trong những hàng rào kỹ thuật thường được các nước áp dụng. Một mặt các tiêu chuẩn này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế bằng cách giúp người mua nước ngoài đánh giá được quy cách, chất lượng của sản phẩm nhưng mặt khác chúng cũng có thể trở thành rào cản thương mại nếu quá khác biệt giữa các nước.

Một trong những rào cản lớn khác với hàng hóa và DN Việt Nam là biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời (bao gồm biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, trợ cấp và đối kháng). Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến biện pháp chống bán phá giá. Một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu thấp hơn mức giá của sản phẩm tương tự tại nước xuất khẩu. Các nước được phép đánh thuế chống bán phá giá với các sản phẩm bán phá giá khi điều tra được hàng nhập khẩu đã được bán phá giá vào thị trường nước mình đồng thời chứng minh được việc bán phá giá này gây thiệt hại cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự ở trong nước.

Có thể nói, không một nước nào trên thế giới lại từ bỏ việc áp dụng các biện pháp phi thuế - một công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước hay để đạt được một số mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định. Theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần dần xóa bỏ một số hàng rào phi thuế, đặc biệt là các biện pháp hạn chế định lượng. Tuy nhiên, cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ phi thuế mới, tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình mở cửa, hội nhập Việt Nam càng cần phải hiểu rõ các hàng rào phi thuế quan để vừa đẩy mạnh được xuất khẩu, vừa bảo hộ hiệu quả các ngành sản xuất non trẻ trong nước.

Khuyến nghị

Về trợ cấp xuất khẩu, với mục đích thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng hợp tác kinh doanh với nước ngoài, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp tự cấp trực tiếp hoặc cho vay với lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ còn có thể thực hiện một khoản cho vay ưu đãi với các bạn hàng nước ngoài để có thể có các điều kiện mua các sản phẩm do nước mình sản xuất ra và để xuất khẩu ra bên ngoài.

Về thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu tác động đến năng lực cạnh tranh của DN thông qua sự tác động vào giá cả của hàng hóa nhập khẩu trên thị trường. Thuế nhập khẩu có tác dụng như một công cụ cản trở hàng hóa nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa, đồng thời tạo điều kiện cho DN nhà nước được hưởng lợi về giá và lượng. Tác động này của thuế nhập khẩu chỉ có ý nghĩa khi các DN nội địa có khả năng cung ứng sản phẩm với chất lượng và giá cả tương đương DN nước ngoài.

Sự bảo hộ của Nhà nước trong điều kiện hội nhập chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn. Còn xét về dài hạn, dưới sức ép của các cam kết hội nhập và sức ép của chính người tiêu dùng trong nước, Nhà nước buộc phải từng bước mở cửa thị trường và giảm thuế suất. Nếu DN không tích cực sử dụng năng lực cạnh tranh ngắn hạn để tạo lợi thế, khẳng định năng lực cạnh tranh dài hạn thông qua giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng thì trong dài hạn DN sẽ mất năng lực cạnh tranh khi thị trường mở cửa.

Các DN có mặt hàng khi tham gia thị trường nước ngoài phải nghiên cứu kỹ thị trường và luật pháp của các nước đó, đặc biệt là phải nắm được các rào cản phi thuế và phải có sự phối kết hợp với Nhà nước. Ngoài ra, khi xuất hiện tranh chấp, Hiệp hội DN Việt Nam phải thay mặt DN đứng ra bảo vệ quyền lợi cho DN cũng như mặt hàng xuất khẩu.

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.ipcs.vn;

2. http://fica.vn;

3. http://www.dankinhte.vn;

4. http://tailieu.vn;

5. http://voer.edu.vn.

Hàng rào phi thuế quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu: Thực trạng và khuyến nghị

TS. NGUYỄN ĐÌNH LUẬN – TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để có được sự tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đó là các rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Xem thêm

Video nổi bật