Hành trình thoát khỏi “danh sách đen”
(Tài chính) Cuối năm 2013, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - tổ chức liên chính phủ với 33 quốc gia thành viên (FATF) quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “đen” thuộc các nước thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT), chống tài trợ khủng bố (TTKB). Đây thực sự là thành công lớn của Việt Nam, trong đó phải kể đến nỗ lực không nhỏ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đánh giá về công tác PCRT, TTKB của Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục PCRT, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết: Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Từ khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực cho các thể chế tham gia đấu tranh PCRT cho đến thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, TTKB Trong đó, nổi bật phải kể tới là nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về PCRT, TTKB của Việt Nam trong thời gian qua.
Luật PCRT đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/6/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động PCRT ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Luật PCRT quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; Hợp tác quốc tế trong PCRT.
Trên nền tảng đó, ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2013/QÐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo (có hiệu lực từ ngày 10/06/2013) và ngày 04/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2013/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT (có hiệu lực từ ngày 10/10/2013). “Hiện NHNN đang khẩn trương dự thảo và sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định của pháp luật về PCRT”, đại diện Cục PCRT cho hay.
Không chỉ hoàn thiện cơ chế cho hoạt động PCRT, nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực khủng bố, TTKB cũng đã được Việt Nam kiện toàn và ban hành. Bởi theo khuyến nghị của FATF, tội TTKB là tội phạm nguồn của tội rửa tiền, do đó để đảm bảo hoạt động PCRT có hiệu quả, cần thiết phải ban hành các quy định về chống TTKB, khủng bố. Chính vì vậy, ngày 12/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố (có hiệu lực kể từ 01/10/2013). Tiếp theo, ngày 11/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2013/NÐ- CP về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, TTKB; Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, TTKB.
Bên cạnh việc hoàn thiện về hành lang pháp lý, hoạt động thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, TTKB cũng được Việt Nam đẩy mạnh. Tính đến đến cuối năm 2013, NHNN đã nhận được khoảng gần 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ, 16 triệu báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và đã tiến hành phân tích, xử lý thông tin theo quy định của pháp luật. Hàng chục vụ việc đã được chuyển sang cơ quan Công an và các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý.
Đặc biệt, NHNN còn tích cực đẩy mạnh hoạt động ký kết và trao đổi thông tin với các cơ quan PCRT quốc tế. Cụ thể, trong năm 2013, Việt Nam đã ký kết các Bản ghi nhớ trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa Việt Nam - Hàn Quốc (ngày 18/7/2013); Việt Nam - Thái Lan (ngày 22/7/2013) và Việt Nam - Nhật Bản (ngày 29/8/2013). Trước đó, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ trao đổi thông tin với Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia.
Đến nỗ lực ra khỏi “danh sách đen”
Việt Nam tham gia Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về CRT (APG) từ tháng 5/2007. Thực hiện nghĩa vụ, Việt Nam đã trải qua một đợt đánh giá về việc tuân thủ 40+9 Khuyến nghị của FATF về CRT và chống TTKB. Kết quả, Việt Nam chỉ tuân thủ một phần hoặc không tuân thủ 15/16 Khuyến nghị cốt lõi và chủ chốt, nên đã bị đưa vào quy trình rà soát của FATF.
Tại Hội nghị toàn thể hồi tháng 10/2010, FATF đã đưa Việt Nam và 31 quốc gia, vùng lãnh thổ khác vào Danh sách 3 (danh sách các nước có thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống TTKB, nhưng đã có cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện Kế hoạch hành động. Các quốc gia thuộc danh sách này phải chịu sự giám sát liên tục). Khi bị đưa vào Danh sách này, Chính phủ Việt Nam đã phải cam kết với FATF rằng, Kế hoạch hành động hoàn thành trong thời hạn 01 năm kể từ thời điểm đó, trừ nội dung ban hành Luật PCRT có thời hạn đến tháng 12/2012.
Tuy nhiên, Việt Nam đã lỗi hẹn, các nội dung cốt lõi của Kế hoạch hành động đã không được giải quyết và tiếp tục bị FATF xếp vào Danh sách xám đen (một mục đặc biệt trong Danh sách 3). Do không thỏa mãn việc thực hiện cam kết của Việt Nam, đến Hội nghị toàn thể tháng 6/2012, FATF tiếp tục chuyển Việt Nam vào Danh sách 2 - Danh sách đen (danh sách các quốc gia có thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền, chống TTKB và không có tiến triển trong việc giải quyết những thiếu hụt hoặc không thực hiện đúng Kế hoạch hành động đã cam kết với FATF).
Thậm chí, Việt Nam còn có nguy cơ bị đưa vào danh sách cảnh báo cao hơn - Danh sách các quốc gia bị đánh dấu sao (dấu *) - mục đặc biệt trong Danh sách 2. Nếu Việt Nam tiếp tục không hoàn thành được kế hoạch hành động như đã cam kết thì sẽ bị đưa tiếp vào Danh sách 1 (danh sách những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc tế. Theo đó, các quốc gia thành viên và các quốc gia khác sẽ áp dụng các biện pháp đối kháng nhằm bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế như: Hạn chế hoặc cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý, cấm mở văn phòng, chi nhánh của các định chế tài chính; Yêu cầu các định chế tài chính của mình lưu ý đặc biệt đến mối quan hệ kinh doanh và các giao dịch liên quan đến cá nhân, tổ chức ở các quốc gia này. Danh sách này hiện nay có Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Iran).
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động và nỗ lực đó đã được đền đáp, tại Hội nghị toàn thể tháng 6/2013, FATF ghi nhận: Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế PCRT và chống TTKB, bao gồm cả việc thông qua Luật Phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành cam kết cấp cao cùng với FATF và APG giải quyết những thiếu hụt trong PCRT, TTKB nên trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục cùng với FATF và APG giải quyết dứt điểm những thiếu hụt này.
Những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian gần đây mang lại những kết quả đáng khích lệ và góp phần quan trọng giúp APG và FATF đưa ra những nhận xét tích cực đối với cơ chế PCRT, chống TTKB của Việt Nam và đưa ra quyết định rút Việt Nam ra khỏi Danh sách 2, quay trở về Danh sách 3 (tại Hội nghị FATF tháng 10/2013). Đây là một thành công lớn của Việt Nam, trong đó phải kể đến những nỗ lực của NHNN trên cương vị là đơn vị đầu mối, đã tích cực bám sát các chương trình của APG, FATF, từ đó chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với FATF.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2014