Hậu sốt đất, nhà đầu tư "găm tiền" chờ thời
Qua đợt sóng sốt đất hồi đầu năm, nhiều nhà đầu tư đang thận trọng chờ thời cơ, chưa vội đổ tiền vào bất động sản (BĐS). Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên chuẩn bị dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn, không nên kỳ vọng nhiều vào việc lướt sóng.
Theo đánh giá của một số đơn vị nghiên cứu BĐS, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, hầu hết nguồn cung và cầu trong tháng 5 đều giảm sút nghiêm trọng, có những tỉnh còn không có giao dịch. Các mối quan tâm đến BĐS trong thời điểm này đa phần là tìm hiểu, nghiên cứu, rất ít giao dịch thành công.
Nhà đầu tư có lý do để "găm tiền"
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nhất. Dù có những thời điểm dòng tiền bị "chia lửa" với các kênh như vàng, chứng khoán, hay tiết kiệm… nhưng cuối cùng, những kênh này cũng lại đổ tiền vào BĐS.
Một số chuyên gia lâu năm trong ngành BĐS phân tích, việc mang tiền đi đầu tư – chốt lời – mua đất để dành là câu chuyện quá quen thuộc. Bởi lẽ, tâm lý của nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn và đây là lý do BĐS luôn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, nếu đổ tiền vào BĐS trong dài hạn, tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nếu vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh, dịch bệnh, nhà đầu tư cá nhân thường tích trữ vàng, thì giờ đây, BĐS luôn là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng. Năm 2021 là thời điểm cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang BĐS.
Bởi lẽ giá BĐS ở một số tỉnh đã giảm, nhưng mức giảm không đáng kể so với thời điểm trước cơn sốt, nên hiện tại chưa phải là thời điểm để các nhà đầu tư tiếp tục vào thị trường.
Thời điểm hiện nay thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Sẽ sôi động vào cuối năm
Trước đó, một số chuyên gia BĐS đã chia sẻ với Vnbusiness rằng, mặc dù sốt đất đã tạm thời lắng xuống, dù đã giảm giá nhưng không thấp như trước đó. Do vậy, cơ hội đầu tư lướt sóng không nhiều. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, nhu cầu đầu tư BĐS vẫn rất lớn, nên từ nay đến cuối năm thị trường BĐS khả năng sẽ lại sôi động.
Đánh giá về nhu cầu đầu tư đất nền trong thời điểm này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội cho hay, thời gian gần đây hiện tượng sốt đất đã lắng xuống, một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Tình trạng này sẽ không có lợi chung cho tất cả các bên.
Trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn, thị trường sẽ chưa thể xảy ra sốt đất như thời gian trước. Bởi sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý.
“Chúng ta nên đầu tư vào những khu vực mà đất hoặc BĐS kèm đất có thể đưa vào khai thác sử dụng; còn nếu đầu tư theo hướng “để đấy” hoặc đầu tư mang tính chất đám đông thì cũng không phải là giải pháp hợp lý. Hiện các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay”, bà Hằng nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, sau sốt đất, những dự án nào được đánh giá chất lượng và giá cả phù hợp với thị trường thì vẫn được quan tâm và giao dịch. Còn dự án nào giai đoạn vừa rồi có hiện tượng đẩy giá cao theo cơn sốt, dự án chưa đủ điều kiện pháp lý cũng tham gia vào giai đoạn sốt đều có sự chững lại không có giao dịch, hoặc giao dịch không đáng kể. Hiện nay thị trường gần như đóng băng, không hoạt động. Nếu có sự tham gia thì nhà đầu tư chỉ quan tâm, tìm hiểu thị trường để hướng tới trung và dài hạn.
Nhận định về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, ông Đính cho rằng, đến hết tháng 6 khả năng thị trường vẫn rất ít giao dịch, chỉ có giao dịch ở các khu vực chống dịch có hiệu quả. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn, nên thực tế giao dịch, mua bán sẽ phải chờ sau khi kiểm soát dịch tốt gần như toàn diện.
“BĐS sẽ có giao dịch tại những dự án chất lượng tốt, đảm bảo điều kiện pháp lý, đặc biệt là các dự án không tham gia vào dòng xoáy cơn sốt đất hồi đầu năm, chắc chắn được nhiều nhà đầu tư đón nhận”, ông Đính khẳng định.