Hé mở trào lưu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng

Theo Báo Đầu tư

Với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tới Việt Nam, nền công nghiệp trong nước cần nguồn năng lượng lớn để phục vụ sản xuất, mở ra cơ hội đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Hé mở trào lưu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng
Ông Võ Thuận, Giám đốc Công ty Hasu Việt Nam cho biết, theo các nhà đầu tư Nhật Bản về công nghiệp chế tạo đến đầu tư tại Việt Nam, sự thiếu hụt nguồn năng lượng trong sản xuất là điều đáng lo ngại tại Việt Nam hiện nay. Thời gian tới, nếu trào lưu đầu tư của công nghiệp chế tạo Nhật Bản đẩy mạnh vào Việt Nam, thì ngành này cần nguồn năng lượng rất lớn.

Theo ông Douglas Barnes, Tổng lãnh sự Anh, kiêm Giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UKTI) tại Việt Nam, nhu cầu về điện ở Việt Nam đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, với mức tăng bình quân khoảng 14,5% trong giai đoạn 2001-2010 và sẽ không ngừng tăng trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu này, ngành điện Việt Nam đang ưu tiên phát triển các nhà máy thủy điện.

Ước tính, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 130 tỷ USD để đầu tư vào ngành năng lượng, trong đó 65,5% sẽ được chi cho phát triển điện. Cùng với điện, dầu khí cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam. Trong 5 năm tới, sẽ có các mỏ dầu được vận hành, nhằm góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Điều này có nghĩa là, Việt Nam cần thu hút sự đầu tư thích đáng về công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thăm dò và khai thác dầu hiệu quả.

Ông Olivier Jacquet, Phó chủ tịch cấp cao của Schneider Electric cho biết, thời tiết và khí hậu của Việt Nam thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp năng lượng mặt trời và gió. Trong khi đó, theo Tổng sơ đồ Phát triển năng lượng Việt Nam lần thứ 7, lượng điện năng tương lai sẽ chủ yếu đến từ than đá và khí đốt, khiến lượng khí thải CO2 chắc chắn tăng lên, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo là giải pháp cho cả hai vấn đề gia tăng điện sản xuất và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, với mục tiêu bảo vệ môi trường, ngày càng nhiều công trình xanh được chứng nhận, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức phi chính phủ. Đây là tín hiệu tốt để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo ông Andrew Laviers, điều phối chiến lược và thông tin tiếp thị của Tập đoàn Weir (Anh), một tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm và giải pháp trong ngành năng lượng, thị trường năng lượng Việt Nam tiềm năng với sự pha trộn của thủy điện, nhiệt điện và dầu khí. Quy trình sản xuất những nguồn năng lượng này chủ yếu dựa vào các thiết bị và phương pháp mà Weir có kinh nghiệm. “Tập đoàn Weir sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và dầu khí trong thời gian tới”, ông Andrew Laviers chia sẻ.