Hiện tượng... quỹ mở!
(Tài chính) 8/9 quỹ mở nội địa đồng loạt giảm theo cùng xu hướng của thị trường trong tháng 4, duy nhất Quỹ mở trái phiếu MBBF tiếp tục tăng.
Quỹ cổ phiếu: giảm mạnh hơn VN-Index
Trong khi chỉ số VN-Index giảm 3,6% trong tháng 4, hai quỹ cổ phiếu VF4 và VFA - cùng do VFM quản lý, lần lượt giảm 4,7% và 4,6% so với kỳ báo cáo cuối tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm (đến ngày 23/4), VF4, quỹ đầu tư tập trung vào các cổ phiếu đứng đầu thuộc các ngành cơ bản, vẫn tăng 16,2%, tốt hơn mức tăng 13,6% của VN-Index và là quỹ tăng cao nhất trong số các quỹ mở. Tuy nhiên, do được chuyển đổi từ quỹ đóng, VF4 vẫn đang chịu tình trạng rút ròng hàng chục tỷ đồng mỗi tháng của các cổ đông cũ. Quy mô Quỹ đến cuối tháng 4 còn hơn 460 tỷ đồng.
Trong khi đó quỹ VFA, quỹ đầu tư cổ phiếu đi theo mô hình đầu tư phân tích định lượng, đã giảm mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay xuống chỉ còn 2,2% tính đến ngày 25/4. Quỹ này đã bỏ phần công bố tỷ lệ sở hữu chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư nước ngoài kể từ cuối tháng 3.
Quỹ cân bằng: giảm nhẹ hơn VN-Index
Với tính chất quỹ cân bằng, 3 trong số 4 quỹ mở thuộc nhóm này có mức giảm thấp hơn VN-Index trong tháng 4. Cụ thể, Quỹ VCBF-TBF của Vietcombank Fund giảm 2,3%; Quỹ ENF của Eastspring Investments, mới đi vào giao dịch từ cuối tháng 3, cũng đã có kết quả tốt hơn VN-Index với mức giảm 2,3% tính đến ngày 25/4; Quỹ BVFED của Baoviet Fund giảm 3% - bước đầu đạt đúng mục tiêu.
Chỉ riêng VF1 của VFM giảm 3,7% trong cùng khoảng thời gian, xấp xỉ mức giảm của VN-Index. Tuy nhiên, nếu tính tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, VF1 lại là quỹ tăng trưởng cao nhất với mức tăng lên đến 12% - cao gấp 3 lần tăng trưởng của VCBF-TBF và cao gần bằng mức tăng của VN-Index.
Về việc tăng quy mô, hai nhà quản lý nước ngoài đang thể hiện khả năng huy động vượt trội so với các nhà quản lý quỹ trong nước. Nếu như cuối tháng 3, quỹ trái phiếu MBBF của MBCapital bất ngờ bán được hơn 20 tỷ đồng chứng chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài, thì đến tháng 4, ENF của Eastspring Investments bán được thêm 28 tỷ đồng chứng chỉ quỹ cho khối ngoại sau 1 tháng từ ngày bắt đầu giao dịch. Tính chung lại, quỹ đầu tư này đã tăng quy mô thêm gần 11 tỷ đồng lên 65 tỷ đồng - với tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang là 80%.
Trong khi đó, VCBF-TBF lại đều đặn tăng quy mô nhờ nhà đầu tư trong nước. Giá trị chứng chỉ phát hành ròng thêm trong 4 tháng đầu năm đạt gần 11 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư trong nước mua thêm gần 10 tỷ đồng chứng chỉ. Quy mô Quỹ đến 25/4 đạt 74 tỷ đồng.
Với BVFED, quy mô Quỹ hầu như không đổi ở khoảng 70 tỷ đồng. Ngược lại VF1, mặc dù tăng cao, nhưng cũng trong tình trạng chung với các quỹ chuyển từ quỹ đóng, đó là tiếp tục bị các cổ đông cũ rút ròng. Hiện quy mô Quỹ khoảng 942 tỷ đồng.
Quỹ trái phiếu: duy nhất MBBF tăng
Thị trường trái phiếu chững lại kể từ đầu tháng Tư đã bắt đầu thách thức tăng trưởng của các quỹ trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ hầu như đi ngang, chỉ giảm một vài điểm cơ bản so với cuối tháng trước.
Trong tháng 4, MBBF trở thành quỹ duy nhất tiếp tục tăng. Quỹ của MBCapital đã duy trì tăng đều đặn gần như suốt 13 tháng kể từ khi giao dịch đến nay. Tính từ đầu năm đến 23/4, MBBF đã tăng 3,9%, tương đương với mức tăng 12,7%/năm - cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
Trong khi đó, VFF của VinaWealth và VFB của VFM quay đầu giảm. Tuy nhiên, quỹ trái phiếu thường không phản ứng nhanh với thị trường như quỹ cổ phiếu, vì thế kết quả tăng trưởng nên được theo dõi theo quý. Tính đến cuối tháng 4, VFB tăng trưởng cao nhất với mức tăng 5%; VFF tăng thấp nhất với mức tăng chỉ 1,3%.
Quy mô của các quỹ không có gì đột biến. MBBF vẫn giữ quy mô khoảng 81 tỷ đồng – cao nhất trong 3 quỹ sau khi bán được 20 tỷ đồng chứng chỉ cho nhà đầu tư Nhật. VFB quay lại trạng thái bị rút ròng, giảm xuống còn 77 tỷ đồng. VFF không công bố lượng chứng chỉ và tổng giá trị.