kết kinh tế quốc tế ở một số nước trong khu vực

Dưới những cái tên khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, Hiệp định CEPA hay CECA… bản chất đều là những FTA thế hệ mới và đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong liên kết kinh tế quốc tế.

Nhật Bản

Mặc dù khởi đầu chậm hơn Hàn Quốc và Trung Quốc song đến năm 2009, trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản đã ký kết và đang thực thi 11 FTA song phương với các đối tác, đang đàm phán FTA/ Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Pêru và đang trong giai đoạn đề xuất nghiên cứu với Canada và các nhóm ASEAN + 3, ASEAN + 6.

Vấn đề lớn nhất trong tất cả các cuộc đàm phán FTA/EPA của Nhật Bản luôn là khu vực nông nghiệp. Đây được coi là rào cản chính trị khó khăn nhất trong chính sách FTA/EPA của Nhật Bản bởi khu vực nông nghiệp của Nhật Bản vốn “đóng cửa” bấy lâu và giới chính trị gia thường không đủ quyết tâm chính trị để “mở cửa” khu vực này.

Vấn đề lớn thứ hai là, nguy cơ hình thành nên các FTA/EPA “chất lượng thấp”. Đây cũng là hệ quả từ việc “tự do hóa nửa vời” trong quá trình thiết kế các FTA/EPA của Nhật Bản. Rõ ràng, việc không đủ quyết tâm chính trị để mở cửa khu vực nông nghiệp đã biến các FTA/EPA của Nhật Bản thành những cam kết “không toàn diện”, hầu như khu vực nông nghiệp vẫn “đứng ngoài” các cam kết FTA/ EPA hoặc chỉ tham gia một cách rất hạn chế.

Vấn đề lớn thứ ba là, sự suy giảm ưu tiên đối với kênh tự do hóa đa phương Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT)/Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Rõ ràng, làn sóng hình thành FTA khu vực và song phương trong hệ thống thương mại thế giới trong bối cảnh kênh đàm phán đa phương bế tắc, đã khiến các nhà hoạch định chính sách thương mại quốc tế của cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một loạt đối tác thương mại lớn phải chuyển ưu tiên nguồn lực sang kênh đàm phán khu vực và đa phương; Giảm bớt sự tập trung ưu tiên cho Vòng đàm phán Đôha hiện nay. Nhật Bản đã không thể duy trì cam kết “chung thủy” với khung khổ GATT/ WTO của mình như trước và buộc phải chuyển nguồn lực chính sách sang các FTA/EPA song phương và khu vực bất chấp những lợi ích mang tính toàn cầu của mình.

Chính sách FTA của Nhật Bản xuất phát từ cả yêu cầu kinh tế và chính trị. Bên cạnh mục đích thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế trong nước, chính sách FTA sẽ tránh cho Nhật Bản rơi vào trạng thái bị cô lập, phân biệt đối xử trong quan hệ kinh tế quốc tế, khu vực. Đồng thời, thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt là tại châu Á và trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Singapore

Singapore là nước đi đầu liên kết kinh tế trong khu vực tính về số lượng và phạm vi địa lý của các FTA đã được ký kết. Hiện nay, Singapore có FTA với 20 quốc gia. Động lực của họ là muốn vượt khung Khu vực mậu dịch tự do AS E A N (AFTA) - vốn quá trì trệ và không phát huy được vai trò tích cực của chủ nghĩa khu vực, để vươn lên giành lấy lợi thế cạnh tranh cho mình như là trung tâm tài chính và công nghệ cao trong vùng. Sự suy giảm xuất khẩu của Singapore những năm 2000 – 2001 khiến nước này phải coi FTA là bàn đạp giải thoát cho hàng xuất khẩu của Singapore, khi đó đang bị tồn đọng.

Singapore đang đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt về đầu tư và dịch vụ. Cùng với việc thực thi AFTA, Singapore đã có FTA với hầu hết các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Singapore đã ký FTA với Mỹ trong tư thế chủ động tìm kiếm một mẫu số chung là lợi ích kinh tế. Nhắm đến thị trường nhập khẩu hàng công nghiệp điện tử, công nghệ cao, chíp điện tử, Singapore kỳ vọng hưởng lợi ích từ giảm thuế nhập khẩu đến 300 triệu USD/năm sau khi FTA thành hiện thực.

Hiện Singapore đang tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước, trong đó có Mỹ và đang tham gia đàm phán Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) từ tháng 12/2012.

Thái Lan

Thái Lan là 1 trong 2 quốc gia tích cực ủng hộ xu thế FTA sôi động ở Đông Á (cùng với Singapore). Chiến lược FTA của nước này dựa trên nền tảng của chính sách "tự do hoá cạnh tranh", nhưng do cơ cấu nền kinh tế với sự tồn tại quan trọng của nông nghiệp và nông dân trong đời sống kinh tế, cho nên việc mở cửa cho khả năng tiếp cận thị trường bên trong của Thái Lan phức tạp và trở thành gánh nặng đàm phán nhiều hơn Singapore.

Ngày 5/7/2004, FTA song phương Thái Lan - Úc được ký kết trong bối cảnh cả hai nước kỳ vọng về một thời kỳ thương mại tự do mới. Trên thực tế, Úc không muốn bị gạt ra ngoài khi mà quốc gia này từ lâu bị "khoá chặt" bởi chính sách dành trọng tâm kinh tế đối ngoại với Indonesia. Thái Lan mang lại cho họ cơ hội thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế ASEAN và khu vực Đông Á, đồng thời là cửa ngõ khai thông ra với thương mại thế giới.

Nhật Bản theo đuổi chính sách "coi trọng ASEAN", trong đó Thái Lan là đối tác kinh tế toàn diện. Vì vậy, FTA Thái - Nhật được hoan nghênh bởi cả hai phía. Nhật Bản là bạn hàng lớn nhất của Thái Lan, Thái Lan là bạn hàng lớn thứ 8 của Nhật Bản, do vậy, một FTA giữa hai nước thực sự cần thiết để làm sâu sắc hơn mối quan hệ sẵn có và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Trong bối cảnh kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm do bất ổn định chính trị trong nước kéo dài kể từ sau cuộc đảo chính cựu Thủ tướng Thaksin hồi tháng 9/2006, Thủ tướng đương nhiệm khi đó, ông Surayud Chulanont đã tìm nhiều cách khôi phục kinh tế bằng cách mở rộng thương mại tự do hơn nữa, trong đó thúc đẩy đàm phán FTA với Ấn Độ.

Malaysia

Malaysia không thuộc nhóm tích cực triển khai FTA như Thái Lan và Singapore. Tính đến tháng 9/2013, Malaysia đã ký kết 13 FTAs, gồm: AFTA, FTA của ASEAN với Úc, New Zeland, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; FTA song phương với Nhật Bản, Ấn Độ, New Zeland và Pakistan. Đồng thời, đang đàm phán các hiệp định sau: TPP, RCEP, ASEAN+3, FTA song phương với Úc, Chile, EU, EFTA, Hiệp hội các quốc gia vùng vịnh, Hàn Quốc, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Không giống các nước Đông Nam Á khác, Malaysia không coi tham gia các FTA song phương là ưu tiên mà thay vào đó là tham gia vào các cơ chế khu vực như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hay Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (PTA), Cộng đồng ASEAN và WTO. Việc tham gia các FTA của Malaysia bắt nguồn từ chính sách “hướng đông” của nguyên thủ tướng Mahathir Mohamad, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại Anh và phương Tây. Động lực kinh tế chính của Malaysia khi tham gia các FTA tại các khu vực châu Á – Thái Bình Dương là để hội nhập sâu hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực, thông qua cắt giảm thuế quan và hài hòa các quy tắc xuất xứ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và ô tô.

Hiện các nhà xuất khẩu Malaysia vẫn còn bị loại ra khỏi thị trường mua sắm chính phủ của Mỹ giá trị tới 250 tỷ USD - nơi mà nhiều sản phẩm xuất khẩu của họ có khả năng cạnh tranh cao. Bởi vì Chính phủ Malaysia chưa tham gia ký kết Hiệp định Mua sắm chính phủ thuộc khuôn khổ WTO, cũng như chưa ký kết FTA với Mỹ, cho nên cơ hội tiếp cận thị trường "béo bở" này vẫn đang bị nước ngày bỏ ngỏ.

Đến hết quý I/2014, con số FTA do từng thành viên ASEAN ký kết với các đối tác bên ngoài và tham gia các hiệp định của ASEAN đã lên tới 186 FTA, nhiều nhất là Singapore (38), Thái Lan (29), Malaysia (27), Việt Nam (19), Brunei (18), Philipines (16), Lào (14), Myanmar (13), Campuchia (12).

Tham gia liên kết kinh tế thế giới và khu vực

Làm lay chuyển quốc gia trung thành với thiết chế đa phương

Xu thế liên kết kinh tế khu vực thông qua các FTA đang diễn ra mạnh mẽ, lôi kéo sự tham gia của hầu hết các nền kinh tế. Về cơ bản, FTA là thỏa thuận mà các bên sẽ dành cho nhau hưởng ưu đãi về mở cửa thị trường, chủ yếu là trong hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Một FTA được xem là đáp ứng tiêu chuẩn cơ bản của WTO khi phần lớn thương mại giữa các bên tham gia, sẽ được lưu chuyển tự do sau 10 năm kể từ khi thỏa thuận FTA có hiệu lực. Xu thế FTA đang làm lay chuyển cả những quốc gia vốn được xem trung thành với những thiết chế đa phương trong khuôn khổ WTO như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ.

Thực tế, ASEAN là một trong những khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của xu thế thiết lập FTA cả trên phương diện lợi ích kinh tế và yếu tố chính trị. Các nền kinh tế của ASEAN có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại với tỷ trọng chiếm từ 90-300% (không tính Myanmar). Tỷ lệ xuất khẩu so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN là 50% như trường hợp của Indonesia, Philippines đến 75% như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia. Đặc biệt, tỷ lệ này của Singapore là gần 90%. Đây là lý do mà các nước ASEAN luôn muốn tìm đến một chỗ đứng cạnh tranh hơn trên các thị trường lớn, để làm chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiến trình liên kết nội khối của ASEAN đang tiến từng bước vững chắc đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. ASEAN đã xác định mục tiêu xây dựng vị trí của mình như “một trục liên kết chính”, “một sân chơi chung kết nối” giữa các đối tác lớn trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình xây dựng cấu trúc khu vực, ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm, xây dựng một khu vực Đông Á mang tính mở. Đó là lý do mà thời gian gần đây, ASEAN liên tục thiết lập các FTA với các nước lớn như Nhật, EU, Trung Quốc…

Trở thành mô hình liên kết tự do hóa thương mại đầu tiên tại Đông Á, Đông Nam Á

ASEAN được xem là mô hình liên kết tự do hóa thương mại đầu tiên tại khu vực và có thể trở thành trung tâm của mạng lưới các liên kết kinh tế tại Đông Á, châu Á – Thái Bình Dương. ASEAN nói riêng và các quốc gia thành viên nói chung đang chủ động, tích cực tham gia các đàm phán FTA với các nước khác trên thế giới. Giữa năm 2007, ASEAN chỉ có 35 FTA song phương (5 FTA có hiệu lực, 8 FTA đã ký kết, 15 FTA đang đàm phán, 2 FTA khởi động đàm phán…) nhưng đến hết quý I/2014, con số FTA do từng thành viên ASEAN ký kết với các đối tác bên ngoài và tham gia các hiệp định của ASEAN đã lên tới 186 FTA, nhiều nhất là Singapore (38), Thái Lan (29), Malaysia (27), Việt Nam (19), Brunei (18), Philipines (16), Lào (14), Myanmar (13), Campuchia (12). Tính riêng FTA do ASEAN là 1 chủ thể ký kết, đã là 11 FTA trong đó, 10 FTA ASEAN ký với các nước khác và 1 FTA ASEAN+6 (6 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 3 FTA trong giai đoạn tham vấn và nghiên cứu, 2 FTA mới bắt đầu đàm phán).

Không chỉ tăng tốc về số lượng mà các nước ASEAN còn đang tiếp tục phát triển hệ thống FTAs bằng việc tham gia một khối kinh tế khác. Giai đoạn gần đây, các nước này đang đẩy mạnh việc đàm phán tham gia các khu vực liên kết ngoại khối. Một quốc gia tham gia nhiều hiệp định kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, sự chi phối của các nước lớn như Trung Quốc hay Mỹ là những nhân tố điển hình tạo nên thực tiễn FTA của ASEAN. Xét một cách tổng thể, tiêu chuẩn FTA của ASEAN đều khá thấp, hầu hết được ký kết theo công thức WTO…

Tóm lại, trong xu thế liên kết FTA ngày một gia tăng trên thế giới và khu vực, ở ASEAN có thể nhận thấy những đặc trưng của một khu vực hợp tác chiến lược, nhiều tiềm năng nhưng có sự khác biệt khá lớn về trình độ phát triển, sự liên kết lỏng lẻo, đa dạng về số lượng, loại hình, cấp độ liên kết. Thực tế ở ASEAN đang nổi lên như là khu vực điển hình cho sự chồng chéo, phức tạp của hệ thống các FTA trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Vì thế, sẽ không dễ đoán định một cách rõ ràng về sự phát triển của FTA ở ASEAN khi mà các nhân tố tác động này sẽ càng gia tăng cả từ bên trong và bên ngoài khu vực.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Trường Giang (2010) ,“Xu hướng hình thành các hiệp định FTA tại Đông Á”, Luận án tiến sĩ kinh tế;

2. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2003), “Tự do hóa thương mại ở ASEAN”, NXB Khoa học Xã hội;

3. Trần Thị Mai Thành (2012), “Thực trạng và xu hướng hiệp định FTA trong khu vực ASEAN”, Luận văn thạc sỹ ngành kinh tế;

4. Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á; Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện: Lý thuyết và thực tiễn tại một số nước

ThS. TRẦN ÁNH PHƯƠNG - Trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà

(Tài chính) Mô hình của Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện - CEPA) đang tỏ rõ nhiều ưu điểm vượt trội. Liệu các mô hình FTA trước đây (Hiệp định đối tác kinh tế thân thiết - CECA) có phát huy được tác dụng bên cạnh những mô hình mới? Điều này đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu tính thực tiễn liên kết kinh tế thế giới qua FTA thế hệ mới, nhất là Hiệp định CEPA.

Xem thêm

Video nổi bật