Hiệu ứng tích cực từ chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đức Bảo - Hà Thu

Việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam trong thời gian qua đã giúp giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng thụ hưởng.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác, nhanh chóng.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác, nhanh chóng.

Chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu

Để đạt mục tiêu bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, thời gian qua, cơ quan BHXH đã không ngừng hiện đại hoá việc quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với tăng chất lượng phục vụ và chỉ số hài lòng của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT.

Theo đó, công tác chuyển đổi số, trọng tâm là Đề án số 06 của Chính phủ đã được triển khai quyết liệt ở lĩnh vực BHXH, BHYT. Thừa hưởng từ nền tảng CNTT đã có sẵn, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với các CSDL chuyên ngành khác.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo trong triển khai các nền tảng CNTT, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.

Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực cho hơn 96,8 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có 86,9 triệu người đang tham gia thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,8% tổng số người tham gia.

Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 02 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm). Đây là tiền đề quan trọng để cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên nền CSDL quốc gia về dân cư.

Nhằm giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng, thuận tiện, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Y tế triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh BHYT; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh, phối hợp triển khai sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT và bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH; triển khai cung cấp các DVC trực tuyến.

Lợi ích thiết thực cho “ba bên”

Công tác chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ nói riêng đã mang lại lợi ích thiết thực cho “ba bên” - người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực BHXH, BHYT trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Các đối tượng sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID phục vụ khám chữa bệnh BHYT đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và nhân viên y tế khi làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.

Cơ quan BHXH triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT và Bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Việc này không chỉ giúp đơn giản hóa giấy tờ, mà còn giúp giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT (trước đây làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT có thể mất 10 phút đến vài tiếng đồng hồ, song nay chỉ cần xác thực tại máy với quãng thời gian chỉ 6-15 giây/bệnh nhân); giảm số lượng nhân viên y tế phải trực tại bộ phận tiếp đón; khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT.

Bên cạnh lợi ích trong khám chữa bệnh BHYT, việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn giúp cơ quan BHXH đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn...); phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

Cùng sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công an, BHXH Việt Nam đã kết nối kỹ thuật, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an cấp (tài khoản VNeID) để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số của ngành BHXH Việt Nam (triển khai từ tháng 10/2023).

Theo thống kê trên hệ thống của BHXH Việt Nam, đến nay đã có hơn 10 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - BHXH số (trung bình mỗi tháng khoảng 1,3 triệu lượt).

Việc triển khai này của BHXH Việt Nam đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các DVC trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.

Thống kê cho thấy, đến ngày 30/4/2024, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,4 triệu hồ sơ giao dịch các DVC trực tuyến trên.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022...

Có thể khẳng định, việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác, hướng tới mang lại các lợi ích, tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

 

Nhiều năm liên tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, DVC trực tuyến. Hưởng lợi từ kết quả nổi bật này, người dân có thể sử dụng các DVC trực tuyến về BHXH, BHYT như: Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; Giải quyết hưởng BHXH một lần; Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; 02 nhóm TTHC liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.