Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng
Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã có những bước chuyển mạnh mẽ nhưng không phải đã “thuận buồm xuôi gió”, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Để giải quyết thực trạng này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế, hiện nay đối tượng doanh nghiệp này đang cần thêm những chính sách “mở” để có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng... Nghiên cứu về vấn đề này, bài viết đưa ra một số đề xuất mới, nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ngân hàng
Trong nhiều năm qua, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn ngân hàng là mối quan tâm hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng, gần đây nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV (ban hành ngày 12/6/2017) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Chính sách này được kỳ vọng sẽ mở ra bước ngoặt mới trong việc tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNVV tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang có những bước đi đúng đắn, kịp thời ban hành các chính sách hợp lý định hướng cho các tổ chức tín dụng, từng bước nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, trong đó có khu vực DNNVV. Ngành Ngân hàng hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp tại Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1726/2016/QĐ-TTg ngày 5/9/2016. Cùng với đó, NHNN còn chỉ đạo sát sao hệ thống ngân hàng thương mại triển khai nhiều quy định hỗ trợ, giảm lãi suất, ưu tiên nguồn vốn đối với khu vực DNNVV, qua đó, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn vay ngân hàng, giúp cho các DN phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Triển khai chính sách trên, các ngân hàng trong hệ thống đã nghiên cứu và thực thi nhiều gói sản phẩm tín dụng tín chấp với hạn mức khá cao, lãi suất hợp lý… tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận tới vốn ngân hàng. Điển hình như, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên với mức giảm 0,5%/năm, kể từ ngày 10/7/2017.
Trước Vietcombank, theo định hướng của NHNN, các sản phẩm tín dụng tín chấp cũng đã được nhiều ngân hàng trong hệ thống triển khai mạnh mẽ từ năm 2014. Có thể kể đến như sản phẩm cho vay không tài sản bảo đảm và thẻ tín chấp dành cho khách hàng DN của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Đây là 2 dòng sản phẩm được thiết kế dành riêng cho DN thuộc các lĩnh vực kinh doanh, gồm: Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, da, giầy, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất thiết bị điện, điện tử và sản phẩm quang học… Theo đó, các DNNVV được vay vốn với hạn mức tín dụng tối đa lên tới 5 tỷ đồng trong 36 tháng chỉ sau 24 giờ làm việc. Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình thẻ tín chấp DN, khách hàng được đặt hạn mức lên tới 2 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi như: Được hưởng giảm tới 50% giá thành khi mua sắm tài sản DN; Hưởng bảo hiểm du lịch, mất cắp lên đến 3 tỷ đồng; Được sử dụng thẻ để chi tiêu trước, trả tiền sau và được hưởng tới 45 ngày miễn lãi sau khi chi tiêu. Mức lãi suất này hoàn toàn có thể hạch toán vào chi phí DN, thay vì chỉ tính cho cá nhân người sử dụng như các loại thẻ cá nhân khác.
Từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN cũng đã thực hiện đặt lãi suất trần cho các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN… Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động đưa ra một số chương trình ưu đãi cho các DNNVV như: Vietcombank cho vay USD với quy mô 23 triệu USD, lãi suất 3 - 4%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt có chương trình “Kết nối Bản Việt - SME” với quy mô 600 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) có chương trình “SE top-up” cho vay tín chấp tới 3 tỷ đồng... Tính đến hết tháng 6/2017, dư nợ tín dụng của DNNVV đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế.
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng còn khiêm tốn
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612.000 DN đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97%, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong đó, khu vực DNNVV có quy mô vốn nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính thức. Theo các số liệu nghiên cứu cho thấy, hiện chỉ có khoảng 1/3 DNNVV (chưa đến 36%) trong số các DN đang hoạt động tiếp cận được vốn ngân hàng.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng, song tựu chung ở 8 nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước; (ii) Nguồn lực ngân sách còn hạn chế, một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả; (iii) Thông tin về DNNVV và quy định minh bạch hóa thông tin còn chưa được chú trọng; (iv) Hoạt động bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh; (v) Nợ xấu vẫn có nguy cơ tiềm ẩn quay trở lại; (vi) Dịch vụ hỗ trợ DN như đào tạo, tư vấn, thông tin… còn hạn chế; (vii) Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn chưa phát triển; (viii) Môi trường kinh doanh mặc dù đã cải thiện song các chi phí không chính thức vẫn còn cao.
Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề khó tiếp cận vốn ngân hàng là từ mối quan hệ giữa 2 chủ thể ngân hàng và DN. Ngân hàng không thiếu vốn nhưng số lượng các DN tạo được niềm tin với ngân hàng chưa nhiều. Chính sách của ngân hàng với đặc thù là một tổ chức “đi vay để cho vay” nên các quy định, quy trình cho vay luôn thận trọng, quy chuẩn và chặt chẽ buộc DN phải tuân thủ. Trong khi đó, DN lại không chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phương án vay vốn, báo cáo tài chính không theo chuẩn quy định của ngân hàng, nguồn vốn đối ứng và giá trị tài sản thế chấp thấp...
Ngân hàng là loại hình DN đặc biệt, đặc thù là cung ứng một số nghiệp vụ như: Nhận tiền gửi, cấp tín dụng hay cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản… Nghĩa là, dù thực hiện ở nghiệp vụ nào thì đặc điểm chung của ngân hàng vẫn là lấy tiền tệ làm đối tượng kinh doanh trực tiếp, dựa trên sự tin cậy và mức độ tín nhiệm. Đây cũng là lĩnh vực luôn đối mặt với nhiều rủi ro, cho nên mục tiêu đặt ra của ngân hàng là phải luôn thu hồi được vốn vay và đảm bảo được khoản lãi kỳ vọng. Rủi ro lớn nhất và cũng phổ biến nhất, gây tổn thất nhiều nhất trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Vì vậy, khi thẩm định tín dụng, ngân hàng không thể bỏ qua khâu rà soát điều kiện có thể đảm bảo việc thu hồi được vốn vay của DN, trong đó, điều kiện về tài sản đảm bảo là phổ biến. Không có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ không duyệt cho DN vay vốn.
Còn với DN, không phải DNNVV nào cũng có thể “gõ cửa” ngân hàng, đặc biệt là những DN có quy mô nhỏ, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách mở. Bởi vì tài sản đảm bảo lại là điều kiện khó đáp ứng nhất của DNNVV, hầu hết DNNVV là DN có quy mô vốn nhỏ, không có tài sản đảm bảo để vay thế chấp ngân hàng. Mâu thuẫn này khiến DN bị rơi vào vòng luẩn quẩn “không có tài sản đảm bảo – không được duyệt vay vốn – không mở rộng được sản xuất – không tăng doanh thu – không có thêm tài sản đảm bảo – không được vay vốn”.
Đề xuất, kiến nghị
Theo NHNN, tính đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt trên 1,292 triệu tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Kết quả này có được là nhờ các tổ chức tín dụng đã chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng, nhất là nhóm DNNVV; Đồng thời, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh.
Những con số trên cho thấy, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và các DN đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn không ít DNNVV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, tỷ lệ vốn vay còn khiêm tốn. Để tháo gỡ “nút thắt” này đòi hỏi sự cố gắng từ nhiều phía, không chỉ từ việc thay đổi tư duy của các tổ chức tín dụng mà còn là sự nỗ lực của bản thân DN. Cụ thể:
Về phía doanh nghiệp: Cần xóa bỏ suy nghĩ trông chờ vào sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, ưu đãi của ngân hàng và tự tìm cách tháo gỡ những khó khăn nội tại thông qua nâng cao năng lực quản lý DN; Tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động, minh bạch hóa thông tin kinh doanh; Có định hướng kinh doanh tốt và kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp với năng lực và đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo đó, để có thể trụ vững trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DNNVV cần nhanh chóng tìm cách thích ứng với môi trường kinh doanh mới; DNNVV cũng nên liên kết với nhau, thực hiện mua bán, sáp nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng.
Về phía ngân hàng: tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm các sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện cho khu vực DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay. Cụ thể, các ngân hàng cần có quy trình cấp tín dụng riêng với những thủ tục đơn giản; Đẩy mạnh thiết kế các gói sản phẩm tín dụng tín chấp riêng phù hợp đối với nhóm đối tượng là DNNVV; Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi.
Về phía các cơ quan chức năng: NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm sự đồng bộ ngay sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV chính thức có hiệu lực.
NHNN triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháp gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và DN; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau, để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho DNNVV và các sản phẩm mới nhằm giúp DN chủ động về vốn; tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay…
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Hỗ trợ DNNVV;
2. Chương trình hành động của ngành Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 625/QĐ-NHNN về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020;
3. Thùy Linh, “Giải pháp về vốn cho DNNVV”, 14/09/2017, link: http://vneconomy.vn/tai-chinh/giai-phap-ve-von-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-20170913035726574.htm;
4. Thế Hưng, “Cửa nào cho DNNVV vay vốn?”, 05/10/2017, link: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/cua-nao-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-vay-von-20171005201636961.htm;
5. “Vì sao doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng?”, 23/9/2014, link: http://www.bvsc.com.vn/News/2014922/309115/vi-sao-doanh-nghiep-nho-kho-tiep-can-von-ngan-hang.aspx;
6. Oanh Vũ, “DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng”, 19/10/2017, link: https://www.baomoi.com/doanh-nghiep-nho-va-vua-van-kho-tiep-can-von-tin-dung/c/23621365.epi;
7. Thúy Hà, “Vì sao DNNVV khó tiếp cận vốn vay ngân hàng?”, 11/07/2017, link: https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-doanh-nghiep-vua-va-nho-kho-tiep-can-von-vay-ngan-hang/455617.vnp;
8. Các website: VPBank.com.vn, ABBank.vn, Maritime Bank.vn…