Hỗ trợ hộ nghèo tiêu thụ hàng hóa
(Tài chính) Hiện nay, nhiều tổ chức của nước ngoài đang triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nước ta nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, tìm nhiều thị trường xuất khẩu mới. Các mô hình thí điểm được triển khai trong thời gian qua đã tăng thu nhập cho hộ nông dân, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.
Sau 10 tháng triển khai Chương trình Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho người nghèo nông thôn thông qua Phát triển chuỗi giá trị tại 8 tỉnh, với 8 chuỗi giá trị nông nghiệp là: chè, mây, tre, vải lụa, vải thổ cẩm, thảo quả, quế và hồi, chương trình đã tiếp cận được khoảng 6.800 hộ gia đình nghèo, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số thuộc 9 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau. Giám đốc Quốc gia của Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam Samuel Waelty cho rằng, cần thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp hợp tác với người nghèo để cải thiện thu nhập cho họ. Tuy nhiên, thị trường nông thôn có nhiều rủi ro, chi phí giao dịch lớn và thiếu liên kết thị trường bền vững, do đó huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển bền vững vì người nghèo vẫn là một thách thức lớn.
Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV cũng đang triển khai hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án Gia vị cho cuộc sống tại 4 tỉnh, nhằm hỗ trợ 12.000 hộ nông dân tăng 10% thu nhập. Dự kiến, đến giữa năm 2016 sẽ có 9.000 hộ nông dân được tiếp cận với hỗ trợ này. Cách tiếp cận của SNV cũng rất linh hoạt, tăng cường liên kết thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, bán sản phẩm theo tiêu chuẩn với thông tin giá cả minh bạch, tăng cường năng lực đàm phán của nông dân với doanh nghiệp… Trong giai đoạn thử nghiệm, những mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và hộ có thu nhập thấp đã tạo ra nhiều lợi ích. Ví dụ như một số công ty ngành chè đã góp phần tăng thu nhập cho người thu nhập thấp lên 60% (trước đó chỉ 0,5 USD/ngày) cho ít nhất 800 nông hộ.
Qua triển khai những chương trình hỗ trợ, các doanh nghiệp tham gia cũng có lợi nhuận tăng trên 50% và cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng cao, ổn định. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hỗ trợ thu mua hàng hóa qua các hợp đồng thương mại. Công ty cổ phần TEXVINA tại tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ nông dân chế biến tinh dầu quế từ các phụ phẩm của cây quế bỏ đi sau thu hoạch như lõi thân, cành lá… Hiện công ty đang đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính, giúp tăng giá trị hàng hóa.
Các chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại vùng sâu, vùng xa, miền núi đã mang lại hiệu quả với cả doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia. Song, để các chương trình thực sự đến với các hộ nông dân nghèo, mở rộng thị trường cho hàng hóa nông sản, đòi hỏi các địa phương phải nâng cấp cơ sở hạ tầng về điện, giao thông, dịch vụ thương mại điện tử... Và quan trọng hơn là giúp người dân tiếp cận nguồn tài chính vi mô, chủ động hơn trong giao dịch xuất khẩu hàng nông sản.