Vài nét thực trạng
Khu vực Bắc Miền Trung, bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng diện tích tự nhiên 51.551,9 km2 (chiếm 15,6% diện tích của cả nước), dân số là 9,6 triệu người (chiếm 10,9% dân số của cả nước năm 2011). Đây là khu vực chậm phát triển so với các khu vực khác. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh năm 1994 với năm 2011 là 13.900 tỷ đồng.
Khảo sát tại 163 DNNVV tại khu vực Bắc Miền Trung (Thanh Hóa: 20; Nghệ An: 30; Hà Tĩnh: 30; Quảng Bình: 30; Quảng Trị: 23; Thừa Thiên Huế: 30) cho kết quả như sau:
Về quy mô vốn
Quy mô về vốn các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản còn rất hạn chế. Nguồn vốn đầu tư ban đầu của các DNNVV trong chế biến nông sản thuộc phạm vi điều tra là không đồng đều. Cụ thể:
- Số lượng DNNVV có vốn đầu tư ban đầu dưới 100 triệu đồng chiếm 36,66%, số DN có vốn đầu tư 100 - 500 triệu đồng chiếm 16,66 %, có vốn đầu tư từ 500 triệu - 1 tỷ đồng chiếm 3,33%, số DN có vốn đầu tư từ 1 - 5 tỷ đồng chiếm 29,99%, còn lại 13,2% là DN có vốn đầu tư từ 5 - 10 tỷ đồng.
- Theo từng ngành chế biến thì quy mô vốn có sự khác biệt: Có 2/30 DN chế biến gỗ được điều tra có số vốn từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng (tương ứng 3,33 %); DN chế biến nông sản có mức vốn đầu tư đa dạng, trong đó mức đầu tư 1 – 10 tỷ chiếm 26,66%, mức đầu tư dưới 100 triệu chiếm 33,33% tổng số các DN; DN chế biến thủy sản, vốn đầu tư chủ yếu ở mức 100 - 500 triệu và 1 - 5 tỷ, mỗi mức chiếm 13,33% tổng số các DN được điều tra.
- Số lượng lớn các DNNVV trên cả ba ngành chế biến có mức vốn đầu tư dưới 100 triệu đồng cho thấy nguồn vốn của các DNNVV là vốn tự có, xuất phát từ nguồn tiết kiệm của gia đình.
Về lao động
Theo số liệu điều tra thì tỷ lệ nữ giới tham gia vào sản xuất kinh doanh với tư cách là chủ các DNNVV trong lĩnh vực chế biến nông sản chiếm 23,3%, nam giới chiếm 76,7%. Số lượng lao động trong các DNNVV thường rất ít, thiên về lao động gia đình. Hầu hết các tổ chức kinh doanh nhỏ chỉ thuê từ vài chục người trở xuống và thường có quan hệ họ hàng với chủ DN.
Số liệu ở bảng trên cho thấy:
- Có tới 53,3% DN sử dụng dưới 10 lao động, trong đó DN chế biến lâm sản chiếm 3,33%; DN chế biến nông sản chiếm tới 40% và 10% còn lại là DN chế biến thủy sản.
- Với quy mô từ 10 – 200 lao động: có 30% tổng số DNNVV được điều tra, trong đó DN chế biến lâm sản chiếm 3,33%; DN chế biến nông sản chiếm 10%; DN chế biến thủy sản 16,67%.
- Từ 200 – 300 lao động: không có DNNVV được điều tra có quy mô lao động ở mức này.
- Trên 300 lao động: có 16,67% DN được điều tra, trong đó DN chế biến nông sản chiếm 13,34%.
Như vậy, nếu căn cứ vào quy mô lao động thì hầu hết các DN được điều tra thuộc diện DN nhỏ là chủ yếu, không có DN vừa. Một số DN sử dụng trên 300 lao động được xếp vào DN vừa là những DN nhà nước đã được cổ phần hóa, kinh doanh nhiều mặt hàng cùng lúc, sử dụng lao động không thường xuyên theo tính chất thời vụ. Trình độ lao động trong các DNNVV này thấp và không đồng đều.
Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị là điều kiện cần để DNNVV gia tăng công suất và chất lượng sản phẩm. Tại các DNNVV các tỉnh Bắc Miền Trung: Công nghệ lạc hậu chiếm 25,77%; Thiết bị không đồng bộ chiếm 42,94%. Chỉ có 12,27% công nghệ hiện đại và 19,02% thiết bị đồng bộ được sử dụng trong các DNNVV này. Đây thực sự là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay.
Về hoạt động của các doanh nghiệp
Hầu hết các DN đều sử dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương (88,96) và tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh (84,66). Trong 5 năm gần đây, hầu hết các DN đều có lãi (87,12%), số DN hòa vốn chiếm 7,36%, chỉ có 5,52% DN bị thua lỗ.
Về triển vọng phát triển giai đoạn 2011-2015
Phương án phát triển kinh doanh của DN trong 5 năm tới: Phần lớn các DN sẽ ổn định sản xuất (55,83%), số DN có phương án đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp là 41,72%.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận của các DN được khảo sát giai đoạn 2011-2015: doanh thu và lợi nhuận của các DN đều được dự báo khả quan và tăng lên trong những năm tới với mức tăng khoảng 20%/năm.
Dự báo nhu cầu tuyển mới nhân lực của các DN trong giai đoạn 2011 - 2015: nhu cầu nhân lực tuyển mới trung bình 68 người/DN, trong đó: trình độ đại học và cao đẳng 12 người, trung cấp 8 người, công nhân kỹ thuật 26 người và lao động phổ thông 22 người.
Những khó khăn cản trở sự phát triển của DN
Để có các giải pháp hỗ trợ DNNVV chế biến nông sản đúng, kịp thời và hiệu quả, cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà các DNNVV này đang gặp phải. Qua khảo sát, có thể tổng kết và ghi nhận những khó khăn chủ yếu sau:
- 43,56% DN được khảo sát cho rằng đang gặp khó khăn về thủ tục hành chính.
- Khó khăn lớn nhất của các DN là thiếu vốn đầu tư (63,19%), ngoài ra các DN còn gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, nguồn nhân lực, chi phí lao động cao…
- DN thiếu quỹ đất, thủ tục thuê đất khó khăn, chi phí thuê mặt bằng cao và tìm địa điểm thuê khó khăn.
- Việc tiếp cận tín dụng khó khăn vì lãi suất cao, số lượng vốn vay ít, điều kiện tài sản thế chấp khó đáp ứng, thủ tục vay phức tạp và thời gian cho vay không phù hợp.
- Trình độ lao động thấp, thiếu cơ sở vật chất phục vụ lao động (nơi ở, nhà trẻ, lớp mẫu giáo...), chi phí lương cao, nguồn lao động khan hiếm, thiếu lao động thời vụ.
- Việc đăng ký thương hiệu cũng gặp khó khăn vì nhiều thủ tục rườm rà với quá nhiều tiêu chuẩn trong khi DN thiếu thông tin và khả năng cạnh tranh của sản phẩm kém.
- Nguồn cung cấp nguyên liệu khan hiếm, nguồn nguyên liệu mang tính thời vụ, thiếu quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu, địa bàn vùng nguyên liệu xa và chất lượng vùng nguyên liệu kém.
- Xây dựng mạng lưới phân phối gặp khó khăn vì DN thiếu kiến thức thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, khả năng liên kết DN khác chưa cao và thiếu vốn để xây dựng mạng lưới phân phối.
- 59,51% số DN gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin thị trường. Thiếu thông tin đang là một rào cản lớn trong việc tăng tính cạnh tranh của các DNNVV nói chung và đối với các DNNVV chế biến nông sản lại càng trở nên cấp thiết.
- 58,90% số DN gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách mới. Điều này thực sự hạn chế tác động của chính sách hỗ trợ tới các DN, tạo “độ trễ” ngày càng lớn của chính sách trong thực tế hiện nay.
- DN khó khăn về vốn đầu tư công nghệ, thiếu kiến thức về công nghệ. Trang thiết bị DN lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và ít được tham gia các hội chợ về công nghệ.
- 45,40% số DN gặp khó khăn trong việc tự kê khai, tính thuế… và vẫn còn 26,99% số DN không hài lòng với dịch vụ công, chưa kể, với hệ thống dịch vụ công chưa đầy đủ, nhiều DNNVV chưa được sử dụng dịch vụ công.
Giải pháp hỗ trợ
Việc hỗ trợ các DNNVV chế biến nông sản đòi hỏi các cấp, các ngành cùng tham gia, từ các bộ, ngành trung ương đến các sở, ngành địa phương, các cơ quan tham mưu và các tổ chức hiệp hội. Việc hỗ trợ tập trung vào:
- Tạo điều kiện cho vay vốn, mở rộng đối tượng cho vay đối với những DN có hiệu quả cao.
- Giảm thủ tục hành chính cho DNNVV để có thể tiếp cận được chính sách vay vốn, thành lập DN.
- Thúc đẩy việc mở rộng thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu.
- Có quy hoạch tổng thể cho các DNNVV chế biến nông sản và hỗ trợ tham gia các hội chợ. Đồng thời, hỗ trợ DN xử lý vi phạm (hàng nhái, hàng giả...), hỗ trợ bảo vệ thương hiệu và nâng cấp hạ tầng giao thông.
- Tổ chức giao lưu, học hỏi giữa các liên minh hợp tác xã, thành lập liên minh hợp tác xã, hỗ trợ quảng bá sản phẩm và hỗ trợ thành lập hợp tác xã.
Về phía các DN, cần hỗ trợ nhau cùng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu trên thị trường, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có và cùng phối hợp để bình ổn giá.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV;
2. Nguyễn Thị Minh Phượng (2008), Phát triển DNNVV trong nông thôn Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 131, 5/2008, tr.40-43;
3. Niên giám thống kê 2010, NXb Thống kê.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chế biến nông sản khu vực Bắc miền Trung
(Tài chính) Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến nông sản của khu vực Bắc Miền Trung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để nông nghiệp, nông thôn và nông dân khu vực Bắc Miền Trung có thể hội nhập cùng sự phát triển chung của đất nước, cần có những nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực chế biến nông sản.
Xem thêm