Thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021:

Hóa giải khó khăn thách thức để đạt mục tiêu đề ra

Theo Lư Trung/ Báo Bạc Liêu

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong năm đầu và chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo giữ vững tăng trưởng kinh tế ở mức cao và tạo thêm những động lực mới, Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021.

Chế biến tôm xuất khẩu - một trong những lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lư Trung
Chế biến tôm xuất khẩu - một trong những lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Lư Trung

Đây không chỉ thể hiện sự chủ động ứng phó, hóa giải các khó khăn, thách thức, mà còn tạo thêm động lực, khơi dậy khát vọng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Chủ động ứng phó

Có thể nói, việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế có một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đây không chỉ thể hiện sự chủ động ứng phó, hóa giải các khó khăn, thách thức, mà còn tạo thêm động lực, khơi dậy khát vọng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, UBND Tỉnh đã đề ra 3 kịch bản tăng trưởng, gồm: Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng 9 - 10%; Kịch bản 2: Tốc độ tăng trưởng 7 - 8% và Kịch bản 3: Tốc độ tăng trưởng 6 - 7%.

Qua đánh giá, phân tích và dự báo tình hình, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định chọn kịch bản tăng trưởng 1. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, sản xuất - kinh doanh của tỉnh không bị gián đoạn.

Đặc biệt, với quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Chính phủ là “kiên định mục tiêu kép”, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, nhìn lại bức tranh tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và so sánh với các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,17% so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 3,06%), đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 20 so với cả nước. Cùng với đó, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ như: tổng sản lượng thủy sản tăng 5,16% so với cùng kỳ; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 12,76% so với cùng kỳ (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 4,11% của cùng kỳ năm trước); tổng thu ngân sách nhà nước tăng 27,11% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 14.725 tỷ đồng, tăng 16,97% so với cùng kỳ...

Những con số cụ thể trên đã cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả của Tỉnh ủy và sự năng động của UBND tỉnh. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay cũng còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là ngoài vốn đầu tư công giải ngân chậm, chưa đúng với kế hoạch và chưa đủ sức bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, bản thân nền kinh tế cũng phát sinh hàng loạt các khó khăn, thách thức mới. Cụ thể, theo Kịch bản tăng trưởng kinh tế 1, để tăng trưởng kinh tế đạt từ 9 - 10% thì khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) phải tăng 5,1%.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng tuy có tăng trưởng nhưng lại thiếu ổn định và rủi ro cao. Như trong nuôi trồng thủy sản, nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng thêm từ 30 - 60% so với cùng kỳ, nhưng giá thu mua tôm nguyên liệu giảm hơn 30%. Do vậy, nhiều nông dân tuy trúng tôm nhưng vẫn hòa vốn, hoặc bị thua lỗ.

Hay ở khu vực II (công nghiệp và xây dựng), yêu cầu phải tăng 17,7%, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, do ảnh hưởng của tăng giá vật tư, vật liệu (sắt, thép, cát, đá, xi-măng...) nên có nhiều nhà thầu không triển khai thi công hoặc thi công cầm chừng. Cũng như có tâm lý trông chờ giá cả thị trường hạ xuống hoặc chờ có bổ sung chính sách mới.

Thêm vào đó, các gói thầu chuẩn bị tổ chức đấu thầu phải dừng lại chờ điều chỉnh giá. Rồi việc triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cũng bị chậm do gặp khó khăn về giao thông, mặt bằng trong vận chuyển và bãi tập kết các thiết bị siêu trường, siêu trọng và do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng gây khó cho việc huy động nhân công từ các tỉnh ngoài vào…

Tất cả những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng của khu vực II và làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thể đưa vào nền kinh tế. Hoặc ở khu vực III (khu vực dịch vụ, phải tăng 12,8%) cũng đã và đang đương đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều điểm du lịch, hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm đóng cửa, các doanh nghiệp vận tải phải ngưng hoạt động…

Dồn lực cho tăng trưởng

Muốn hoàn thành Kịch bản tăng trưởng kinh 1 tế thì GRDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng trên 12% trở lên. Trong đó, khu vực I phải đạt từ 6,56% trở lên, khu vực II từ 23% trở lên và khu vực III từ 13% trở lên.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021, UBND Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Ngoài khẩn trương và có ngay các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cần đẩy mạnh hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể; hỗ trợ hộ kinh doanh (về thuế, hồ sơ, lệ phí...) chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Tổ chức nhiều kênh đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất - kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án phát triển KT-XH triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh…

Với quyết tâm giữ vững tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp và tạo nên động lực mới cho năm khởi động với mục tiêu trở thành tỉnh đứng trong tốp khá của cả nước.