Hoa Kỳ kết luận vụ chống lẩn tránh thuế với ống thép Việt Nam sau 15 tháng điều tra
Hoa Kỳ vừa ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam khởi xướng từ tháng 8/2022
Ngày 4/8/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) - là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép - từ Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với các nước/vùng lãnh thổ này.
Ngày 9/8/2023, DOC đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam có lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan - Trung Quốc hay không.
Theo đó, DOC kết luận các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan - Trung Quốc do không sử dụng HRS có nguồn gốc từ Đài Loan - Trung Quốc.
Đối với các sản phẩm ống thép bị điều tra còn lại, ngày 9/11/2023, DOC đã đăng công báo kết luận cuối cùng của vụ việc. Tại kết luận cuối cùng, DOC giữ nguyên nhận định trong kết luận sơ bộ đã ban hành vào tháng 4/2023, đó là các doanh nghiệp Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, DOC tiếp tục cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ doanh nghiệp bị DOC kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra) tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng HRS có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.
Các doanh nghiệp bị DOC kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra có thể đề nghị DOC rà soát hành chính để được tham gia cơ chế tự xác nhận.
Trong số 235 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 23%. Các doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích nếu bị kiện ở Hoa Kỳ. Do vậy các vụ việc ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện nay xu hướng phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có một số điểm chính:
Thứ nhất, các cơ quan của Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế để áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, với lý do: i) Thời gian điều tra nhanh và yêu cầu điều tra đơn giản hơn; ii) Mức thuế áp dụng thường rất cao; iii) Có thể không bị khởi kiện do WTO chưa quy định cụ thể về nội dung này. Do đó, nhóm hàng có nguy cơ bị kiện cao thường là các nhóm hàng đã bị Hoa Kỳ điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước đó với các nước khác.
Thứ hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ gần đây thường tự khởi xướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại. Trước đây, chủ yếu các vụ việc bắt đầu từ đơn kiện của nguyên đơn là nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã chủ động khởi xướng một số vụ việc mà không cần đến đơn kiện của doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng thì có xu hướng thường là những mặt hàng có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
"Ví dụ như mặt hàng nhôm và thép, năm 2018 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nêu rằng, căn cứ vào Mục 232 của Đạo luật về mở rộng thương mại 1962, mặt hàng nhôm thép thuộc nhóm liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng. Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra thì thường sẽ không tập trung vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng", ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết.
Xu hướng trên một mặt thuận lợi là giúp ta có thể cảnh báo trước và chuẩn bị một cách bài bản hơn, có sự đầu tư theo dõi về nguồn lực, thời gian cho các mặt hàng cảnh báo bị kiện; nhưng cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc do những vụ việc này thường rất phức tạp.
Vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã gửi đơn đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ và đề nghị khởi xướng rà soát về việc thay đổi hoàn cảnh đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Hiện nay thông tin trên đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ đăng công khai trên hệ thống của Công báo Liên bang Hoa Kỳ, mở thời hạn là 30 ngày để các bên liên quan, các stakeholder có thể tham gia đóng góp ý kiến đối với đề xuất thay đổi hiện trạng hoàn cảnh của Việt Nam.