Thực trạng công tác quản lý hoạt động gia công xuất khẩu

Những năm gần đây, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Riêng tại Nghệ An, hiện đang có 162 DN có hoạt động gia công xuất khẩu (XK), chiếm 24,4% trên tổng số DN có hoạt động xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan Nghệ An. Đặc biệt, trong quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công XK, Cục Hải quan Nghệ An hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, cụ thể:

Quản lý định mức nguyên vật liệu gia công xuất khẩu

Theo quy trình quản lý định mức nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng XK, cơ quan hải quan phải tổ chức lấy mẫu nguyên vật liệu chính, niêm phong và giao DN bảo quản để đối chiếu với sản phẩm khi XK; DN phải tự khai báo định mức tiêu hao nguyên vật liệu và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc khai báo định mức của mình, định mức tiêu hao nguyên vật liệu. Cơ quan hải quan sẽ phối hợp với cơ quan thuế tổ chức kiểm tra lại định mức thực tế nguyên vật liệu trong trường hợp có nghi vấn hay phát hiện có dấu hiệu gian lận. Tuy nhiên, thực tế cơ quan hải quan khó có thể đối chiếu mẫu giữa sản phẩm với nguyên vật liệu khi nguyên vật liệu đã thay đổi hình dạng trong quá trình sản xuất. Cơ quan Hải quan chỉ có thể xác định và kiểm tra phần nguyên vật liệu trực tiếp cấu thành vào một số sản phẩm giản đơn, còn phần tiêu hao thực tế thì rất khó phát hiện khi có nghi vấn...

Quản lý nguyên phụ liệu trong nước cung ứng cho hợp đồng gia công xuất khẩu

Tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, một hình thức khá phổ biến là bên đặt gia công chỉ giao một số nguyên phụ liệu, chủ yếu là nguyên liệu chính, còn nguyên phụ liệu nào sản xuất trong nước được thì mua từ trong nước và được tính vào phí gia công hàng hóa. Đây là cách làm đúng, giúp sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, tại điểm 2c Điều 33 Nghị định số 12/2006-NĐ/CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định bên nhận gia công được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công và phải nộp thuế XK theo quy định của Luật Thuế XK, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên, phụ liệu, vật tư mua trong nước. Trong khi đó, đối với nguyên phụ liệu mua trong nước để sản xuất hàng XK chỉ phải nộp thuế cho sản phẩm (nếu có), không phải nộp thuế cho nguyên liệu mua trong nước để sản xuất ra sản phẩm XK. Với chính sách thuế XK này, nhiều DN cho rằng chưa thật sự khuyến khích khai thác nguồn nguyên liệu trong nước cho hoạt động sản xuất XK.

Về quản lý máy móc, thiết bị, phế liệu, sản phẩm hỏng tiêu huỷ tại thị trường Việt Nam

Đối với máy móc, thiết bị tạm nhập phục vụ hợp đồng gia công XK thuộc diện miễn thuế khi nhập khẩu, có nhiều trường hợp DN không tái xuất máy móc thiết bị này cho bên thuê gia công mà xử lý bằng biện pháp tiêu huỷ tại thị trường Việt Nam thì vẫn được xem xét miễn thuế với điều kiện phải có sự giám sát của cơ quan Hải quan. Nhiều DN đã lợi dụng chính sách này đã làm thủ tục tiêu huỷ số máy móc, thiết bị tạm nhập cho hợp đồng gia công để được miễn thuế nhưng không thực hiện việc tiêu huỷ. Thực tế cơ quan Hải quan rất khó quản lý đối với những trường hợp DN nhập khẩu máy móc thiết bị cho hợp đồng gia công XK có thời gian dài từ 02 năm, đủ để DN thay đổi các loại máy móc thiết bị tạm nhập ban đầu bằng loại máy khác hư hỏng để tiêu huỷ trốn thuế.

Đối với quản lý các doanh nghiệp nội địa gia công cho các doanh nghiệp chế xuất

Theo Luật Thương mại, quan hệ trao đổi, mua bán hàng hóa giữa DN trong nước và DN chế xuất là quan hệ xuất nhập khẩu do vậy hàng hóa ra vào giữa DN chế xuất và DN trong nước phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa XK, nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Đối với hàng hóa DN trong nước nhận gia công cho các DN chế xuất cũng được thực hiện và làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa gia công XK ra nước ngoài. Tuy nhiên, đa số các DN trong nước là các cơ sở nhỏ, quy mô sản xuất không lớn, nằm ở các địa bàn khác nhau do vậy việc quản lý các DN này rất khó khăn.

Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hoạt động gia công xuất khẩu

Một là, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của hải quan

Trong những năm qua, Cục Hải quan Nghệ An liên tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), tổ chức đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho cán bộ, công chức, đầu tư xây dựng cơ sở hạ CNTT, nâng cấp thường xuyên các chương trình phần mềm phục vụ công tác hải quan theo hướng hiện đại, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và hiện đại hoá hải quan theo quá trình hội nhập. Đặc biệt, Cục Hải quan Nghệ An đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, triển khai thành công khai hải quan từ xa và hải quan điện tử. Thời gian tới, Hải quan Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng DN, hành khách xuất nhập cảnh...

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan

Trong xu hướng hội nhập, Hải quan Nghệ An, cần tiếp tục hoàn thiện hoạt động khai hải quan điện tử tại các Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT triển khai hải quan điện tử tại các Chi cục, thanh toán điện tử bằng việc ký kết giữa Cục Hải quan Nghệ An với các tổ chức tín dụng, giúp các DN có thể thanh toán tiền thuế và các khoản thu khác…

Ba là, nâng cao năng lực, trình độ và tăng cường công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ

Hải quan Nghệ An cũng cần chủ động mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn cho các DN và các đối tượng liên quan khác đến làm thủ tục hải quan về những nội dung cần thiết như danh mục hàng hoá mô tả và mã hàng hóa (danh mục HS), về xác định trị giá Hải quan theo GATT, về công ước Kyoto...

Hoàn thiện các văn bản quản lý hải quan đối với gia công xuất khẩu

Trong lĩnh vực quản lý hoạt động gia công XK cho nước ngoài, đến nay chúng ta chưa có văn bản để điều chỉnh một cách toàn diện hoạt động này. Các quy định điều chỉnh hoạt động gia công nằm trong luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế GTGT và một số Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, một số quy định quản lý hoạt động gia công hiện quá chặt chẽ, không tương thích với Luật pháp quốc tế, thậm chí còn nhiều sơ hở để một số DN lợi dụng... Do vậy, tới đây, ngành Hải quan tiếp tục công tác rà soát văn bản có liên quan đến vấn đề gia công XK nhằm phát hiện ra những vấn đề bất cập cần nghiên cứu sửa đổi kịp thời.

Hoàn thiện công tác quản lý hải quan đối với doanh nghiệp gia công xuất khẩu

ThS. VĂN ĐÌNH THÀNH

(Tài chính) Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Hải quan Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, xu thế hội nhập cũng đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho ngành Hải quan về yêu cầu hoàn thiện công tác quản lý các doanh nghiệp gia công xuất khẩu nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng, đúng pháp luật cho các doanh nghiệp. Phân tích từ thực trạng hoạt động của Hải quan tỉnh Nghệ An để góp thêm những đánh giá về công tác này.

Xem thêm

Video nổi bật