Từ chính sách đến thực tiễn áp dụng
Những thành quả đạt được
Cùng với hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam được ban hành trong những năm qua như Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, Luật Kế toán năm 2013; Bộ Tài chính đã công bố 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế, kể cả Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Tháng 12/2012, cơ quan này tiếp tục ban hành lại 37 Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam phù hợp với CMKiT mới nhất của quốc tế, là căn cứ để các cơ quan chức năng soạn thảo nhiều tài liệu hướng dẫn áp dụng CMKiT mới trong thực tế...
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VASs) hiện nay được xây dựng trên cơ sở vận dụng có chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs/IFRSs) nên về cơ bản đã phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế. Về phương pháp kế toán, kiểm toán căn bản, Việt Nam đã áp dụng gần đầy đủ chuẩn mực kế toán quốc tế, trừ nguyên tắc giá thị trường (giá thực tế, giá có thể thực hiện) và chuẩn mực về công cụ tài chính, công cụ tài chính phái sinh là chưa được công bố chính thức, dù rằng trong thực tế đã có một số doanh nghiệp (DN) áp dụng. Về CMKiT, Việt Nam đã áp dụng gần như đầy đủ chuẩn mực quốc tế có vận dụng phù hợp với pháp luật Việt Nam, thậm chí các công ty kiểm toán lớn đã áp dụng có tính cập nhật nhanh các chuẩn mực khi IFAC vừa công bố.
Nhờ có sự ra đời của Hệ thống chuẩn mực kế toán mà nghề kiểm toán độc lập cũng có bước phát triển. Dù hoạt động kiểm toán độc lập mới có 22 năm nhưng đã phát triển đáng kể, từ chỗ chỉ có 2 công ty với 13 nhân viên làm việc vào ngày 13/5/1991, đến nay đã có 165 công ty kiểm toán, trong đó có mặt cả Big 4; Có 43 công ty đủ điều kiện kiểm toán DN niêm yết; 28 công ty là thành viên hãng kiểm toán quốc tế; Hiện có 11.000 người làm việc, có 2.800 người được cấp chứng chỉ kiểm toán Việt Nam, 500 người có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế; Mỗi năm cung cấp trên 20 loại dịch vụ cho 33.000 khách hàng, tổng doanh thu đạt 3.800 tỷ VND, nộp ngân sách 587 tỷ VND.
Nhìn chung, Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam là khá đầy đủ, vừa phù hợp và cập nhật với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, vừa phù hợp với đặc thù nền kinh tế và trình độ cán bộ Việt Nam, đã làm cơ sở chắc chắn cho việc đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý; Làm cơ sở thực hành công việc kế toán, lập báo cáo tài chính và thực hành kiểm tra, giám sát, kiểm toán báo cáo tài chính trong lĩnh vực doanh nghiệp cũng như Nhà nước, có cơ sở nâng cao độ tin cậy của nhà đầu tư và xã hội vào sự công khai, minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam.
Qua khảo sát trên 1000 công ty đại chúng niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Việt Nam là HSX và HNX, có thể khẳng định hầu hết các DN đều tuân thủ 26 Chuẩn mực kế toán trong lập, hoàn thiện báo cáo tài chính, các hệ thống sổ sách kế toán cũng theo chuẩn mực Quy định, đảm bảo các yếu tố minh bạch, công bằng theo thông lệ Quốc tế quy định.
Một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, Việt Nam mới xây dựng được 26 chuẩn mực kế toán, chưa bao phủ hết mọi hoạt động của DN, của các tổ chức, đơn vị trong nền kinh tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán nước ta cũng còn khoảng cách nhất định với chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số nghiên cứu định lượng cho thấy, hiện nay mức độ hài hòa giữa VASs với IAS/IFRSs biến động trong khoảng 13,4% - 87,5%, trong đó mức độ sai khác trong phương pháp đo lường được xác định ở tỷ lệ khá cao (75,8%). Sự sai khác giữa chuẩn mực kế toán nước ta và chuẩn mực kế toán quốc tế có những tiêu chí còn lớn do IASs/IFRSs dựa trên hệ thống nguyên tắc, tạo sự linh hoạt trong quá trình vận dụng. Do VASs được xây dựng để sử dụng song hành với các chế độ kế toán, vì thế nó theo thiên hướng thận trọng và kém linh hoạt hơn.
Thứ hai, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế thường xuyên nghiên cứu để bổ sung những vấn đề mới nhất theo yêu cầu của hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng các chuẩn mực trong hệ thống VASs vẫn còn khá khiêm tốn, nhiều chuẩn mực chưa được công bố mặc dù hiện nay đã phát sinh khá phổ biến trong thực tế như: Tài sản sinh học, sản phẩm nông nghiệp IAS 41; Tài nguyên khoáng sản, công cụ tài chính... sở dĩ có khoảng cách này bởi Luật Kế toán hiện hành đã xác định giá gốc là một trong những nguyên tắc cơ bản trong thực hiện các nghiệp vụ kế toán. Luật Kế toán hiện hành cũng quy định, đơn vị kế toán không được tự điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong khi đó, khung điều chỉnh IAS/IFRSs lại cung cấp 4 cơ sở xác định giá trị các yếu tố trên báo cáo gồm: Nguyên tắc giá gốc, giá trị thực tế, giá trị có thể thực hiện, giá trị hiện tại.
Một số đề xuất, giải pháp
Chiến lược kế toán - kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định, cần tiến hành đánh giá, sửa đổi, bổ sung hệ thống chuẩn mực kế toán đã ban hành cho phù hợp với những thay đổi của chuẩn mực kế toán thế giới tương ứng, cũng như thực tế ở nước ta. Đồng thời, tiếp tục ban hành các chuẩn mực kế toán Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung một số lượng lớn chuẩn mực kế toán như chiến lược đã đề ra không chỉ nhằm tương thích với sự phát triển của các hoạt động kinh doanh, mà còn phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này. Thực tế, hoạt động kế toán tại nhiều nước chủ yếu thực hiện theo và chịu sự điều chỉnh của chuẩn mực kế toán thế giới hoặc chuẩn mực phù hợp với quốc gia đó. Vì vậy, để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán như Chiến lược kế toán - kiểm toán đã đề ra, thì rõ ràng, việc cần làm đầu tiên là có lộ trình bổ sung nguyên tắc kế toán tương thích với nguyên tắc chung trên thế giới và phù hợp với điều kiện của nước ta. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán là một cơ hội để thực hiện yêu cầu này.
Thứ hai, tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện; trong đó tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ hiện có cũng như thực hiện đào tạo mới và đào tạo nâng cao trong các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế; Mở rộng hơn chủ trương đào tạo thực hành, đào tạo nghề trên cơ sở các phương tiện kỹ thuật và truyền thông tiến bộ. Phát triển hơn nữa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tập trung đào tạo và tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán; Đào tạo và nâng cao yêu cầu thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên; Mở rộng quy mô và chất lượng doanh nghiệp kế toán, kiểm toán...
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chuẩn mực, chế độ kế toán, từ việc hoàn thiện các quy chế kiểm tra định kỳ, đột xuất, tự kiểm tra, kiểm tra từ bên ngoài, đặc biệt là kiểm tra của các Hội nghề nghiệp, theo đó là xử lý các sai phạm để duy trì chất lượng dịch vụ đồng đều, giảm thiểu mức chênh lệch về chất lượng dịch vụ như hiện nay. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, chủ yếu là Bộ Tài chính, bao gồm Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đảm bảo chức năng hoạch định chính sách, vừa quản lý, giám sát thực thi kế toán, kiểm toán.
Thứ tư, đẩy mạnh sự phát triển của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán thành tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập và tự quản trên cơ sở chuyển giao tiếp các việc, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc duy trì và phát triển nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa một phần các dịch vụ xã hội về kế toán, kiểm toán. Tổ chức nghề nghiệp phải đạt các điều kiện nghề nghiệp, có tính chuyên nghiệp cao và tự quản, tự cân đối, độc lập trong nghiệp vụ, chuyên môn. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của kế toán, kiểm toán Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác, hoạt động kinh nghiệp của quốc tế.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế thông qua các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức, thi cấp chứng chỉ chuyên môn và quản lý hành nghề. Sớm xây dựng hệ thống thông tin kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý trên cơ sở hệ thống công nghệ và truyền thông hiện đại.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005;
2. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011;
3. Luật Kế toán năm 2013;
4. Danh sách 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành;
5. Danh sách 37 Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.
Hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
(Tài chính) Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đã không ngừng được cải thiện, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Đây sẽ là lĩnh vực tiên phong trong hội nhập, tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Xem thêm