Hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Hữu Hòe

Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đã họp sáng 9/4, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Đơn giản hóa quy định về nội dung chủ yếu của quy hoạch

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đã họp ngày 9/4 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

“Quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.”, quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định.

Theo quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết. Ảnh: PV
Theo quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Tài chính Nguyễn Đức Cảnh, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết. Ảnh: PV

Do đó, ông cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và bảo đảm công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cũng theo ông Cảnh, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh, liên huyện, cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt hoặc đang được lập, thẩm định.

Đó là những bài toán đang đặt ra “nóng” trên thực tiễn, đòi hỏi dự án Luật phải đưa ra được những lời giải tối ưu cho hệ thống quy hoạch trên quy mô quốc gia trong bối cảnh mới, từ đó tạo ra những không gian phát triển mới cho cả nước.

Điều đó giải thích vì sao, Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đã đưa ra nhiều điểm mới đáng chú ý như: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đơn giản hóa quy định về nội dung chủ yếu của quy hoạch, bãi bỏ các nội dung trong quy hoạch không phù hợp do việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện; tăng cường phân cấp thẩm quyền đối với hoạt động quy hoạch...

Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp pháp, tương thích với điều ước quốc tế

Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định, đã có nhiều ý kiến phát biểu xác đáng, nhằm góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng dự án Luật.

“Việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch để kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật là cần thiết”, đại diện Bộ Quốc phòng, ông Đặng Quang Văn nêu ý kiến.

Đồng thời, ông Văn đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng từ danh mục sử dụng tài nguyên sang danh mục kết cấu hạ tầng…

Kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích với điều ước quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PV
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PV

“Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát lại ngôn ngữ, kỹ thuật; làm việc với các bộ, ngành trong danh mục phụ lục, các bộ, ngành liên quan có thể phát sinh vướng mắc ở các dự án phát triển xã hội, để xử lý vấn đề còn phát sinh, tạo sự đồng thuận.”, ông Tú nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lại phạm vi sửa đổi, bổ sung, tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề gồm: xử lý vướng mắc phát sinh từ chính quyền địa phương hai cấp; cắt giảm thủ tục, đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền tối đa, triệt để, nhằm đảm bảo địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; xử lý các vấn đề vướng mắc cấp bách trong thực tiễn, phạm vi; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác…/.