Dự thảo luật phí và lệ phí:

Hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

ThS. ĐOÀN THỊ THÀNH VINH

(Taichinh) - Ngày 26/5/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Dự án Luật Phí và lệ phí. Dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận về tính cấp thiết và những quy định mới trong Dự thảo được đánh giá là đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh kinh tế thị trường mà Pháp lệnh về phí, lệ phí chưa bao quát hết…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự cần thiết ban hành Luật

Pháp lệnh Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 28/8/2001, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002. Qua 13 năm thực hiện, Pháp lệnh đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường quản lý thu, sử dụng hiệu quả các khoản thu phí và lệ phí, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, Pháp lệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức cá nhân trong thực hiện các quy định về phí, lệ phí. Công tác tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí đã được công khai, minh bạch thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế quản lý phí, lệ phí đã từng bước được đổi mới, gắn với xã hội hóa, tạo thế chủ động cho các đơn vị quản lý, nộp và sử dụng phí, lệ phí, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực phí và lệ phí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân chưa theo kịp thực tiễn; Một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; Một số khoản phí có tên trong danh mục nhưng chưa phát sinh; Một số loại phí, lệ phí cần được bãi bỏ để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện thu, chi phí và lệ phí; Chế độ quản lý thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí hiện hành thiếu thống nhất, nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu, sử dụng lãng phí, thiếu minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, HĐND tỉnh, thành phố được phân quyền quyết định ban hành 28 khoản phí và 11 khoản lệ phí nhưng việc miễn giảm bất cứ khoản phí, lệ phí nào lại chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền. Mặt khác, từ năm 2002 đến nay, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó quy định thêm một số khoản thu phí, lệ phí mà thời điểm ban hành Pháp lệnh chưa lường hết; một số khoản thu được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa đồng bộ với chế độ chung về phí và lệ phí.

Ngoài ra, khi ban hành Pháp lệnh phí và lệ phí, có một số khoản thu như phí trông giữ xe ôtô, xe máy, phí chợ, bến bãi… thời điểm đó là phù hợp trong danh mục phí, lệ phí. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì ngày càng có nhiều tổ chức, đơn vị công lập chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính, nên việc thu các khoản này dưới hình thức phí sẽ không còn phù hợp, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc sớm ban hành Luật Phí, lệ phí là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Trước những yêu cầu bức thiết trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng dự thảo Dự án Luật Phí và lệ phí trình Chính phủ, trình Quốc hội. Dự thảo Dự án Luật Phí, lệ phí gồm 6 Chương, 23 Điều, được xây dựng nhằm: Thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí; đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; Từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí.

Mặt khác, với những dự thảo quy định mới, dự án Luật Phí và lệ phí còn đảm bảo việc tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, Danh mục phí ban hành kèm theo dự thảo Dự án Luật phí, lệ phí có sự cắt giảm các khoản phí đáng kể so với Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001. Nếu như Pháp lệnh Phí, lệ phí gồm 73 khoản phí, qua quá trình rà soát, nghiên cứu, Bộ Tài chính đã cắt giảm xuống còn 36 khoản phí và bổ sung thêm 15 khoản phí cho phù hợp với thực tiễn và đang được quy định tại các luật chuyên ngành. Theo đó, Dự thảo Luật đã xác định cụ thể mức thu phí; chuyển nhiều khoản phí thành giá và loại bỏ nhiều khoản lệ phí cho phù hợp và thống nhất về phí, lệ phí; khuyến khích xã hội hóa; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công. Cụ thể:

Thứ nhất, xác định mức thu phí: Hiện các khoản phí trong Danh mục kèm dự thảo Luật đều do cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng xã hội hóa cao có thể chuyển giao cho DN cung cấp, do đó, đối với một số khoản phí, việc xác định mức thu phí cần tính đến mức “lợi nhuận phù hợp” để khuyến khích thu hút DN đầu tư cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, tại dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: “Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Thứ hai, chuyển nhiều khoản phí thành giá: Dự thảo Luật đưa ra khỏi Danh mục phí 18 khoản, gồm: 2 khoản phí được quy định trong Danh mục nhưng qua 13 năm chưa phát sinh (phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu); 5 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng nay đã dừng thu để phù hợp với tình hình thực tế (phí xây dựng; phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai; phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá); 6 khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn Danh mục (phí sử dụng đường thủy nội địa và phí luồng lạch có cùng đối tượng điều chỉnh là sử dụng đường thủy nội địa; phí sử dụng đường biển và phí bảo đảm hàng hải có cùng đối tượng điều chỉnh là sử dụng đường); 5 khoản phí quy định trong Danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá (phí đấu thầu; học phí; viện phí; phí giám định tư pháp; phí kiểm định đo lường chất lượng).

Bên cạnh đó, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, Dự thảo có thêm 19 khoản phí trong Danh mục chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá. Việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định của pháp luật về giá.

Thứ ba, loại bỏ nhiều khoản lệ phí: Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành có 42 khoản lệ phí sắp xếp thành 5 nhóm và đã được Chính phủ quy định chi tiết thành 130 khoản lệ phí. Qua nghiên cứu, rà soát pháp luật chuyên ngành, dự án Luật Phí và lệ phí đã đưa ra khỏi Danh mục 12 khoản lệ phí để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với đó, dự án Luật cũng đã bổ sung 8 khoản lệ phí quy định tại Luật chuyên ngành mà chưa được quy định tại Danh mục kèm Pháp lệnh (lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, lệ phí cấp giấy phép quy hoạch) và 01 khoản thuế môn bài hiện đang thực hiện thu theo quy định tại Pháp lệnh Thuế công thương nghiệp thành lệ phí môn bài để thống nhất với các luật chuyên ngành.

Với những quy định dự thảo tại Luật Phí, lệ phí nêu trên đã nhận được sự đánh giá cao của đông đảo đại biểu Quốc hội và dư luận về khung pháp lý đầy đủ có kế thừa quy định cũ còn phù hợp, qua đó đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về phí, lệ phí, cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác thu nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí…