Quốc hội cho ý kiến về Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)
(Taichinh) - Sáng 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật NSNN (sửa đổi). Dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Nhiều đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo
Về cơ bản, đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật đã được chỉnh lý trình ra Quốc hội lần này. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện thêm dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể các quy định của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn TP. Hà Nội) nhất trí với một số nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã kế thừa và phát huy được những mặt tích cực của Luật hiện hành, đồng thời khắc phục được một số hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) đánh giá cao về tầm quan trọng sửa đổi Luật NSNN (sửa đổi). Về công khai NSNN và giám sát NSNN của cộng đồng, Đại biểu nhất trí với dự thảo Luật bổ sung quy định các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán, quyết toán về tình hình thực hiện các dự toán ngân sách. Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, công khai các thủ tục NSNN, giám sát việc thực hiện NSNN của cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi), cơ bản tán thành và đánh giá rất cao sự chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo, đã sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng ngân sách, khuyến khích các cấp ngân sách khai thác và phát triển nguồn thu, giảm dần số bổ sung, cân đối ngân sách cho cấp dưới, hạn chế cơ chế xin cho trong sử dụng NSNN.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho rằng, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã có nhiều tiến bộ, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để trình ra Quốc hội xem xét. “Những tiến bộ thể hiện rất rõ là các số liệu về thu, chi ngân sách đã bao quát và phản ánh đúng thực trạng bội chi NSNN cũng đã phù hợp với thông lệ quốc tế, quản lý tài chính ngân sách cũng được quy định, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, quy trình lập ngân sách ngay từ khâu thảo luận cũng đã được công khai, minh bạch hơn. Tất cả những quy định đó đã khắc phục được những tồn tại của Luật NSNN hiện hành”, Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nói.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) nhận định: Nội dung sửa đổi Luật này so với Luật hiện hành, cơ bản khắc phục quy định chặt chẽ hơn về nguyên tắc cân đối NSNN, quản lý NSNN, về quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đặc biệt là quy định về công khai NSNN và giám sát NSNN.
Bội chi ngân sách địa phương
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) lại đồng tình với những sửa đổi, bổ sung của Khoản 5, Điều 7 về bội chi ngân sách địa phương, đó là chỉ ngân sách địa phương cấp tỉnh mới được bội chi và bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công 5 năm do Hội đồng nhân dân quyết định. Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước, từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 6, Điều 7, ngoài 2 địa phương là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những trung tâm kinh tế chính trị lớn của đất nước cần được ưu tiên.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đóng góp ý kiến tại hội trường
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà khái niệm bội chi tại Khoản 4, Điều 4 chỉ phù hợp với ngân sách trung ương vì ngân sách chỉ có bội chi mà không có kết dư và bội chi để cân đối chung. Còn ngân sách địa phương là cân đối thu chi năm ngân sách, nay cần tăng đầu tư cho dự án trong kế hoạch đầu tư công 5 năm, tức là vay để chi cho mục tiêu cụ thể, vì trong quá trình chấp hành dự toán thu ngân sách có thể thực hiện thấp hơn, hoặc cao hơn dự toán và một số nhiệm vụ chi không thực hiện hết kể cả nhiệm vụ chi từ nguồn vay… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần sửa lại khái niệm và cách xác định bội chi ngân sách địa phương cho phù hợp với thực tế.
Cho ý kiến về dự phòng ngân sách, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, mức dự phòng từ 2-4% trong tổng chi ngân sách của mỗi cấp theo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội lần này là hợp lý. Dự phòng ngân sách chỉ được chi cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, đây là các công việc đột xuất, có tính chất cấp bách, khẩn cấp.
“Vì vậy, để khắc phục hậu quả kịp thời, và phát huy hiệu quả sử dụng ngân sách, tôi thống nhất việc giao thẩm quyền cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình và báo cáo với cơ quan dân cử cùng cấp, tại kỳ họp gần nhất”, đại biểu Nguyễn Cao Phúc nhận định.
Về thu NSNN, nhiều đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo Luật. Theo đó, cần thiết quy định thuế và lệ phí là khoản thu bắt buộc thuộc NSNN. Còn đối với phí, chỉ thu vào NSNN đối với phần chênh lệch giữa thu và chi của một số loại phí; riêng học phí, viện phí và khoảng hơn 19 loại phí khác dự kiến chuyển sang giá dịch vụ, là doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ công không thuộc NSNN. Nội dung này được quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong Luật phí, lệ phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.
Công khai ngân sách
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) lại quan tâm đến vấn đề công khai NSNN và giám sát NSNN của cộng đồng. Đại biểu nhất trí với dự thảo Luật bổ sung quy định các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán, quyết toán về tình hình thực hiện các dự toán ngân sách.
Đại biểu Thân Đức Nam quan tâm đến vấn đề công khai NSNN và giám sát NSNN của cộng đồng
“Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, công khai các thủ tục NSNN, giám sát việc thực hiện NSNN của cộng đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách để bổ sung, quy định chế tài vào dự thảo Luật”, Đại biểu Thân Đức Nam kiến nghị.
Theo đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình), công khai ngân sách của nhà nước là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo ra sự minh bạch trong quản lý về tài chính, kinh tế và sử dụng NSNN và Luật đã quy định. Trong dự thảo Luật lần này đã quy định về nội dung, về hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể. Tuynhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật chưa quy định về đối tượng chịu trách nhiệm, việc phải công khai chưa được rõ.
Về quy định phải "báo cáo công khai ngân sách theo quý", đại biểu Khúc Thị Duyền cho rằng, chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách. Nếu cấp ngân sách phải công khai theo quý, theo đại biểu như vậy khó thực hiện được.
“Sau này, về phần hướng dẫn chúng ta phải cụ thể về các đơn vị nào phải công khai, trong thời điểm nào và thời hạn công khai. Chúng tôi thấy chưa thể hiện rõ việc công khai về các nguồn quỹ thu từ ngân sách nhà nước cũng như đóng góp của nhân dân thể hiện ở trong luật là chưa rõ. Tôi đề nghị, luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán đến việc chấp hành dự toán và việc quyết toán ngân sách. Đề nghị các nguồn quỹ có nguồn ngân sách của nhà nước và quỹ đóng góp của nhân dân chúng ta phải được công khai”, đại biểu Khúc Thị Duyền kiến nghị.
Kết luận phiên thảo luận của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ báo cáo lại Quốc hội trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật.