Hoàn thiện khung pháp lý để chống chuyển giá

Theo Báo Công lý

Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015. Động thái này thể hiện nỗ lực chống lại tình trạng chuyển giá đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Hoàn thiện khung pháp lý để chống chuyển giá
Ảnh minh họa

Tình trạng chuyển giá khá phổ biến

Tại Hội thảo quốc tế "Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó Trưởng ban Cải cách - Tổng cục Thuế  thừa nhận, phạm vi và mức độ chuyển giá ở Việt Nam hiện nay là khá phổ biến. 
 
Theo ông Tiến, có những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực giày da, thành lập từ năm 1993 có doanh thu lên tới hơn 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam nhưng vẫn lỗ, hay như trường hợp gần đây nhất của Công ty Coca Cola hoạt động tại Việt Nam hơn 10 năm, liên tục mở rộng kinh doanh nhưng không hề có lãi và được phát hiện có những dấu hiệu "chuyển giá". 
 
Theo nhận định của Tổng cục Thuế, hiện nay tình trạng chuyển giá không chỉ tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà cả ở DN, tập đoàn trong nước thông qua chiêu thức khai báo lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, gây thất thu thuế cho Nhà nước. 
 
Đứng trước tình trạng này, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để ngăn chặn, từ tăng cường quản lý kê khai thông tin giao dịch liên kết, xây dựng các chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá theo từng lĩnh vực, đến xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ thanh tra tại các cục Thuế.
Năm 2011 đánh dấu thành công bước đầu của ngành Thuế trong công tác chống chuyển giá. Kết quả đã thanh tra chống chuyển giá tại 45.939 DN, xử lý giảm lỗ 4.400 tỷ đồng, truy thu thuế và xử phạt 1.650 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012, qua thanh tra, kiểm tra tại 463 DN có dấu hiệu chuyển giá, có giao dịch liên kết và kinh doanh lỗ triền miên, toàn ngành đã truy thu và phạt 253,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ qua thanh tra là 47,7 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra là 1.035,5 tỷ đồng. 
 
Những “chiêu” chuyển giá tinh vi
 
Theo đánh giá của ngành Thuế, một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ chuyển giá tại Việt Nam đó là chính sách ưu đãi thuế Thu nhập DN (TNDN). Chính sách ưu đãi thuế suất thuế TNDN cho các nhà đầu tư nước ngoài và cả nhà đầu tư trong nước theo vùng và ngành đã tạo ra sự chênh lệch thuế suất thuế TNDN giữa các khu vực trong nước và giữa trong nước với các nước và vùng lãnh thổ khác. Việc tạo ra sự chênh lệch thuế suất giữa DN trong và DN ngoài nước; giữa DN được hưởng ưu đãi và DN không được hưởng ưu đãi đã tạo tiền đề để các DN bắt đầu coi trọng việc xác định giá chuyển giao nhằm tối đa hoá lợi nhuận. 
 
Hoạt động chuyển giá của các DN còn thực hiện "tinh vi" với các hình thức như: Xác định giá chuyển giao nhằm thôn tính bên liên doanh trong các DN liên doanh, một bên Việt Nam và một bên nước ngoài cùng góp vốn để thành lập pháp nhân mới, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Xác định giá chuyển giao nhằm tránh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Đơn cử như trong giai đoạn đầu các DN đa quốc gia nước ngoài thường phải chịu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Chuyển giá là một trong những phương thức tránh phải chịu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Xác định giá chuyển giao nhằm thu hồi vốn đầu tư về nước để tránh rủi ro trong một thị trường phát triển không ổn định...
 
Đáng lo ngại hơn là hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế TNDN không chỉ diễn ra tại các DN FDI, mà còn giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Chẳng hạn như thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế TNDN, từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế, hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của cả tập đoàn.
 
Hoàn  thiện khuôn khổ pháp lý
 
Một trong những động thái đầu tiên của Việt Nam trong việc thể hiện quyết tâm đấu tranh với hiện tượng chuyển giá tại các DN trong nước và DN FDI trong năm 2012 đó là việc Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015. Điều này thể hiện quyết tâm trong việc huy động mọi nguồn lực, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động chuyển giá; tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các DN. 
 
Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Văn Trường, mục tiêu nhắm tới của ngành Thuế là các DN ở lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm, điện lực, dầu khí, bưu chính viễn thông... có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh thua lỗ, có số nợ thuế lớn hoặc nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, DN được hưởng ưu đãi miễn hoặc giảm thuế. Hiện ngành Thuế thành lập bộ phận chuyên trách về chuyển giá tại cấp Tổng cục để tập trung, thống nhất và chuyên sâu trong việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.
 
Ngành Thuế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thành Đề án “Ngăn ngừa và hạn chế chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý giá chuyển nhượng để làm tăng nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của việc xác định giá chuyển nhượng trong các DN và công chức thuế.
 
TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, để hạn chế tình trạng vi phạm chuyển giá trốn thuế, điều tiên quyết nhất hiện nay là phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành các tiêu chí xác định hành vi chuyển giá, trốn thuế để làm cơ sở pháp lý đấu tranh với các hành vi vi phạm về thuế.
 
Bên cạnh đó, với việc bổ sung cơ chế thỏa thuận về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các DN FDI vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 20-11 vừa qua, hy vọng các cơ quan chức năng có thể kiểm soát hiệu quả hơn vấn đề này. 
 
"Một bộ phận công chúng Anh đang có tâm lý tẩy chay sản phẩm của Starbucks- thương hiệu chuỗi cà phê số 1 thế giới, do có biểu hiện chuyển giá để trốn thuế"

Chuyên gia về chống chuyển giá Australia Michael Palmer