Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài: Thực trạng và khuyến nghị
Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực, mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Lào, Campuchia… Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài thời gian qua, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.
Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên, trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp (DN), dự án đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành nghề đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và DN tham gia đầu tư.
Thống kê cho thấy, lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỷ USD với các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông. Trong đó, tập trung tại các nước như Lào, Campuchia và Myanmar với vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2019, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, có 148 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 353,8 triệu USD; có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 105 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2019 đạt 458,8 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 118,2 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 65,6 triệu USD, chiếm 14,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 60 triệu USD, chiếm 13,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản 59,3 triệu USD, chiếm 12,9%.
Xét theo địa bàn đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, đã có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Australia là nước dẫn đầu với 141,3 triệu USD, chiếm 30,8%; Hoa Kỳ 93,4 triệu USD, chiếm 20,4%; Tây Ban Nha 59,8 triệu USD, chiếm 13%; Campuchia 50,7 triệu USD, chiếm 11,1%; Singapore 48 triệu USD, chiếm 10,5%. Trong số các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ các DN của Việt Nam, Lào và Campuchia là những nước có số lượng dự án và tổng số vốn cam kết đầu tư lớn nhất.
Không bó hẹp khu vực châu Á, DN Việt Nam còn mở rộng địa bàn sang Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Haiti, Cameroon… Để đón đầu cho dòng vốn đầu tư này, hàng loạt ngân hàng Việt Nam đã “theo chân” DN Việt ra nước ngoài như: BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, SHB… Trong quá trình đầu tư đó, các DN Việt Nam gặp nhiều thuận lợi về sự gần gũi giữa các quốc gia, quan hệ ngoại giao hữu nghị tốt đẹp, được sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại… nên hoạt động đầu tư đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam trải qua các giai đoạn thăng trầm, bắt đầu manh nha những dự án đầu tiên từ những năm 1989, sau đó tăng trưởng mạnh về số dự án và vốn đăng ký từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam thực sự bắt đầu nhờ nỗ lực chuẩn hóa thủ tục đầu tư gắn với hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh mới.
Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định số 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài được Chính phủ ban hành, việc mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của DN trong nước đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Ngoài ra, bên cạnh việc tham mưu, ban hành luật và các nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài, góp phần chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo môi trường thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam...
Nhờ đó, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo được những dấu ấn nhất định. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai...
Những rủi ro, thách thức
Bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cho các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cụ thể:
Một là, những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Thực tế cho thấy, DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài thường mang theo tư duy, cách nghĩ của người Việt Nam. Chẳng hạn như: Về đất đai, nếu DN đầu tư ở Việt Nam sẽ được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, nhưng sang đầu tư Campuchia chế độ sở hữu đất đai sẽ khác, dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài gặp không ít khó khăn.
Hai là, năng lực của DN Việt Nam vẫn còn yếu. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng là do khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính vẫn còn nhiều hạn chế.
Ba là, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, do đó rất dễ xảy ra tranh chấp. Trong khi, về mặt quản lý nhà nước, hiện chưa có cơ quan đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các DN Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.
Bốn là, hiệu quả đầu tư của DNNN chưa cao. Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN năm 2018, tính đến cuối năm 2018, 19 DNNN và có vốn nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ), có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, 84 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận. Trong đó, tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD giảm 24% so với năm 2017. Tuy nhiên, tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD tăng 265% so với năm 2017. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các dự án của Viettel với số lỗ phát sinh là 349 triệu USD, Tập đoàn Cao su Việt Nam với số lỗ phát sinh là 7,7 triệu USD. Nếu so với năm 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2018 của hầu hết lĩnh vực đều giảm, giảm nhiều nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (giảm 27%) và kinh doanh xăng dầu (giảm 23%) chủ yếu ảnh hưởng do sự biến động của giá dầu thế giới. Lợi nhuận giảm nhiều nhất trong lĩnh vực viễn thông với số lỗ tăng là 349 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu là do đồng nội tệ mất giá cũng như tình trạng lạm phát tại nước đầu tư (như các nước châu Phi, Trung Mỹ hoặc Đông Nam Á) và cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực viễn thông.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, trước xu thế dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng đã đặt ra những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN Việt Nam cũng như chính quyền sở tại và người dân địa phương - nơi có các hoạt động đầu tư. Trong thời gian tới, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp ly liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam theo hướng tiệm cận thông lệ, pháp luật quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.
- Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định đầu tư song phương, đa phương nhằm bảo vệ các DN, gỡ bỏ các rào cản khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài…
- Cần có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài. Kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN đầu tư ra nước ngoài. Hướng dẫn cung cấp thông tin tổng thể về quy trình đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam đến nước nhận đầu tư thông qua từng bước đầu tư với những rủi ro môi trường - xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan. Chú trọng hỗ trợ về mặt pháp lý, chủ động phối hợp cùng DN tham gia xử lý các vấn đề phát sinh, các tranh chấp trong quá trình đầu tư tại nước sở tại.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các DN. Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm hỗ trợ các DN đầu tư về chính sách của các nước sở tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải.
Về phía doanh nghiệp
- Cần chủ động tìm hiểu, cập nhật quy định chính sách mới, có thái độ hợp tác với nguyên tắc 2 bên cùng có lợi. Tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác. Bản thân DN khi đầu tư ra nước ngoài phải có ý thức trách nhiệm trong vấn đề tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật Việt Nam, cũng như các văn bản điều ước quốc tế và pháp luật nước sở tại.
- DN phải có ý thức bảo vệ môi trường sống nơi sở tại, không chỉ bảo đảm hoạt động kinh doanh bền vững của chính DN mà còn hạn chế những phản đối, bất bình và tẩy chay từ phía người dân địa phương. Bên cạnh lợi ích cho DN, các DN cũng cần đảm bảo lợi ích hài hòa cho người dân địa phương, tạo công ăn việc làm và tích cực các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo đối với quốc gia nhận đầu tư.
- Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính của DN khi đầu tư ra nước ngoài. Các DN xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thương hiệu để từng bước nâng cao năng lực quản trị. Cùng với đó, các DN cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế đầu tư, tiềm năng thị trường, triển vọng lợi nhuận… trước khi đưa ra các quyết định đầu tư.
- Phải tìm hiểu thông tin để phòng ngừa những tranh chấp phát sinh tại nước có ý định đầu tư, đồng thời để tránh gặp phải việc bị lừa đảo dự án đầu tư ở nước ngoài. Tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các DN là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài;
3. Chính phủ (2017), Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí;
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
5. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2019;
6. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Báo cáo vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam từ 1989 đến 2016.