Xóa bỏ các rào cản đầu tư ra nước ngoài
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rào cản, thách thức.
Đầu tư ra nước ngoài tiếp tục khởi sắc
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm 2018, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn hơn 376 triệu USD cùng 35 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn tăng thêm 56 triệu USD.
Tiếp đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 200 triệu USD (xét theo địa bàn, Việt Nam đã đầu tư sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ). Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 44,9 triệu USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Australia, Malaysia, Nam Phi, Canada...
Như vậy, lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 22 tỷ USD tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và tính cởi mở ngày càng cao của cơ quan quản lý. Theo đó, bên cạnh Luật Đầu tư và các nghị định, ngày 17/10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài.
Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ra đời góp phần chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam... Qua đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã ghi nhận những dấu ấn nhất định. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai...
Vẫn còn các rào cản…
Theo đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cho các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cụ thể:
Một là, những khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp.
Ba là, do người dân một số vùng tại một số nước còn hạn chế về trình độ, khó tiếp xúc bằng văn bản, nên thay vì quản lý bằng văn bản, DN đều phải thể hiện dưới dạng hình ảnh các chương trình tuyển dụng, đào tạo, chế độ bảo hiểm… để giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho DN mất thêm thời gian, chi phí tài chính
Bốn là, tiềm lực tài chính cũng là yếu tố cản trở cơ hội đầu tư ra nước ngoài của nhiều DN.
Cần thêm các giải pháp hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài
Để tiếp tục hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam, góp phần vào nguồn ngoại tệ, tạo thương hiệu và vị thế cho đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong thời gian tới một số vấn đề cần được các cơ quan quản lý quan tâm gồm: Có thêm những cơ chế, chính sách linh hoạt liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài… theo hướng tiệm cận dần với các thông lệ pháp luật quốc tế; Có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.
Về phía DN, cần chủ động để tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia mà mình đang đầu tư dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Đặc biệt, các DN phải có ý thức bảo vệ môi trường sống nơi sở tại, không chỉ bảo đảm hoạt động kinh doanh bền vững của chính DN, mà còn hạn chế những phản đối, bất bình và tẩy chay từ phía người dân địa phương.
Bên cạnh đó, DN cần có sự chuẩn bị tốt trước khi đầu tư ra nước ngoài, cần phải có nguồn thông tin tốt, phòng ngừa những tranh chấp… Các DN chỉ nên quyết định đầu tư khi có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về dự án từ các cơ quan chức năng có liên quan ở cả phía Việt Nam và quốc gia nhận đầu tư, để tránh gặp phải việc bị lừa đảo dự án đầu tư ở nước ngoài.
Vấn đề đáng quan tâm khác là các DN cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung hạn và dài hạn, tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các DN. Cần tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác; Đồng thời, nên tham vấn với các cộng đồng bị ảnh hưởng trong suốt quá trình đầu tư.