Hoạt động đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2017
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước tính đạt 26.509,8 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 6.468,5 tỷ đồng; vốn địa phương 20.041,3 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 166,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳnăm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% và tăng 42,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.494 tỷ đồng, bằng 59,6% và giảm 15,5%; Bộ Y tế 2.485 tỷ đồng, bằng 48,4% và tăng 37,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 357 tỷ đồng, bằng 50,1% và giảm 69,8%; Bộ Xây dựng 318 tỷ đồng, bằng 65,8% và giảm 45,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 279 tỷ đồng, bằng 47,5% và giảm 15,9%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 268 tỷ đồng, bằng 45,8% và giảm 35,4%; Bộ Công Thương 147 tỷ đồng, bằng 60,3% và giảm 46,4%; Bộ Thông tin và Truyền thông 59 tỷ đồng, bằng 61,3% và giảm 22%; Bộ Khoa học và Công nghệ 56 tỷ đồng, bằng 58,4% và giảm 63,2%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 128,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 87,8 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% và tăng 4,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 65,3% và tăng 16,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, bằng 78,9% và tăng 11,3%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 20,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch năm và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% và tăng 6,2%; Nghệ An 4.147 tỷ đồng, bằng 64,2% và tăng 16,4%; Bình Dương 3.795 tỷ đồng, bằng 53% và tăng 13,2%; Quảng Ninh 3.681 tỷ đồng, bằng 50,3% và tăng 17,8%; Vĩnh Phúc 3.564 tỷ đồng, bằng 59,4% và tăng 16,2%; Hải Phòng 3.175 tỷ đồng, bằng 73,2% và tăng 40,3%; Thanh Hóa 3.124 tỷ đồng, bằng 65,3% và tăng 12%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2017 thu hút 1.624 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,5 tỷ USD, tăng 0,3% về số dự án và tăng 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 773 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm 2017 lên 19,9 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 8 tháng năm 2017 có 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,5 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 8 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 8 tháng, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 39,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 35,9%; các ngành còn lại đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 24,3%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm nay đạt 11,7 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 23%; các ngành còn lại đạt 6,3 tỷ USD, chiếm 27%.
Trong 8 tháng năm nay, cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3.055 triệu USD, chiếm 22,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nam Định 2.125,9 triệu USD, chiếm 15,8%; Kiên Giang 1.342,3 triệu USD, chiếm 10%; Bình Dương 1.107,7 triệu USD, chiếm 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh 792,1 triệu USD, chiếm 5,9%; Tây Ninh 694,2 triệu USD, chiếm 5,2%; Hà Nội 609,5 triệu USD, chiếm 4,5%; Bắc Giang 571,9 triệu USD, chiếm 4,3%; Đồng Nai 344,5 triệu USD, chiếm 2,6%; Bình Phước 294,9 triệu USD, chiếm 2,2%.
Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 4.829,1 triệu USD, chiếm 35,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 2.841 triệu USD, chiếm 21,1%; Hàn Quốc 2.172,6 triệu USD, chiếm 16,1%; Trung Quốc1.270,9 triệu USD, chiếm 9,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 587 triệu USD, chiếm 4,4%; CHLB Đức 322,4 triệu USD, chiếm 2,4%.