Hoạt động kinh doanh ngân hàng năm 2019: Đối mặt không ít khó khăn
Kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, năm 2019, khoảng 88% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng, tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện so với năm 2018. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng đối mặt với không ít khó khăn tiềm ẩn.
Bóng ma nợ xấu
Theo các chuyên gia ngân hàng, dù tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của ngân hàng giảm xuống khá sâu, nhưng nợ xấu tuyệt đối vẫn cao và nợ xấu tiềm ẩn vẫn còn khá lớn. Rõ ràng, "bóng ma" nợ xấu vẫn còn hiện diện dù những nỗ lực quyết liệt xử lý nợ xấu của các cơ quan quản lý lẫn các TCTD.
Thống kê cho thấy, kể từ khi thành lập đến đến hết 31/12/2018, lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2018, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) mới chỉ phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 119.118 tỷ đồng.
Kể từ khi thành lập đến đến hết 31/12/2018, VAMC đã mua được 338.849 tỷ đồng nợ gốc nội bảng bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua nợ 307.567 tỷ đồng, góp phần đưa nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm từ 17% cuối năm 2012 xuống dưới 2%.
Bởi vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo báo cáo của NHNN đã giảm xuống mức 1,89% cuối năm 2018, nhưng theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ này vẫn lên tới 6,5%. Có thể nói, đây sẽ là một thách thức không nhỏ với các nhà băng, bởi nợ xấu cũng là nguyên do “bào mòn” lợi nhuận do chi phí dự phòng rủi ro tăng lên.
Theo TS.,LS. Bùi Quang Tín, nợ xấu sẽ ngày càng đáng lo hơn nếu đặt trong bối cảnh phải tuân thủ chuẩn mực của Basel II. Trong bối cảnh phải tuân thủ quy định của Basel II, khi thời gian không còn nhiều, thì nợ xấu càng phải nhanh chóng giải quyết. Nếu không, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng sẽ xuống rất thấp.
Áp lực tăng vốn
Theo các chuyên gia, tăng vốn đang là vấn đề cấp bách để các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện mới chỉ có Vietcombank, VIB, OCB được NHNN trao quyết định thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II.
Trong khi còn nhiều ngân hàng đang phải rốt ráo xây dựng nền tảng, cơ sở thực hiện hai thông tư quan trọng này. Bởi nếu không tăng được vốn, thì các ngân hàng cũng không thể dám đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, nếu tín dụng không tăng thì khó có thể đạt lợi nhuận cao.
Theo các chuyên gia ngân hàng, vấn đề đặt ra trong năm 2019 này là các ngân hàng cần khẩn trương mới có thể đáp ứng được hai văn bản quan trọng do Ngân hàng Nhà nước ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiệu lực từ 1/1/2020) và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Dù tính toán theo các quy định hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống ngân hàng vẫn trên 12%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, hệ số này sẽ bị giảm xuống khá nhiều, có thể dưới 8%.
Bên cạnh những thách thức hiện hữu đó, theo các chuyên gia ngân hàng, các TCTD còn phải đối mặt với khó khăn, rủi ro tiềm ẩn khác như: rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ leo thang; kinh tế toàn cầu giảm tốc, các đồng tiền mạnh trên thế giới, đặc biệt là USD và nhân dân tệ biến động bất thường cũng sẽ tạo nhiều sức ép đến thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước. Từ đó, sẽ gia tăng thêm khó khăn, thách thức cho các ngân hàng trong việc tìm kiếm lợi nhuận hay các khoản đầu tư cho mục tiêu tăng vốn theo quy định.