Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chứng khoán năm 2021 tập trung vào nội dung gì?


Trong năm 2021, hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực chứng khoán sẽ tập trung vào các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán...

Ảnh minh họa. Nguồn: freepik.com
Ảnh minh họa. Nguồn: freepik.com

Ngày 22/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 12997/BTC-BTC-TTr hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021. Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra tài chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tập trung vào các công ty chưa thanh tra, kiểm tra trong 03 năm (2018, 2019 và 2020), công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...

Theo Văn bản số 12997/BTC-BTC-TTr, định hướng thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 trong lĩnh vực chứng khoán sẽ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra các công ty chưa thanh tra, kiểm tra trong 03 năm (2018, 2019 và 2020).

Đối với các công ty đại chúng, tập trung thanh tra, kiểm tra các công ty có khiếu kiện/phản ánh về việc tuân thủ quy định pháp luật về quản trị công ty; công ty có hoạt động chào bán/phát hành thêm chứng khoán với khối lượng lớn; có biến động về giá trị/khối lượng giao dịch cổ phiếu; công ty có vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và các nghĩa vụ khác liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối với các công ty chứng khoán, thanh tra, kiểm tra các công ty có biến động về các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính (tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí), báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính (tăng hoặc giảm); công ty có tăng trưởng mạnh về số lượng nhà đầu tư, giá trị giao dịch, thị phần môi giới; công ty tăng vốn nhanh; công ty có đơn thư phản ánh, kiến nghị.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc thanh tra các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán sẽ tập trung vào các công ty thuộc diện tái cấu trúc (vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, tỷ lệ an toàn tài chính thấp, lỗ lũy kế lớn, hoạt động không hiệu quả); công ty có vốn góp của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán; các văn phòng đại diện của các công ty quản lý quỹ nước ngoài có nhiều quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán.