Hoạt động xuất nhập khẩu: Không đáng lo ngại!
(Tài chính) Sau một loạt sự kiện gần đây liên quan đến tình hình bất ổn ở biển Đông, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm ổn định tình hình đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu, tạo dựng lòng tin đối với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.
Tạo lòng tin cho các nhà đầu tư
Sau khi diễn ra hàng loạt vụ việc kích động của các đối tượng xấu tại các khu công nghiệp phía Nam, trong đó có doanh nghiệp dệt may ở Bình Dương, Đồng Nai, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), Công đoàn ngành Công Thương đã chủ động phối hợp với các Sở Công Thương nắm tình hình và tham mưu, đưa ra các phương án khắc phục, giải quyết. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định.
Đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực công nghiệp nặng, trừ dự án thép của Tập đoàn Formosa đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả và từng bước đi vào hoạt động thì dự án bauxite tại tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng vẫn diễn ra bình thường. Đối với dự án thép của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung, sau khi khởi công xây dựng vào đầu năm 2011, vào lúc 8 giờ 37 phút ngày 26/5/2014 đã cho ra lò 50 tấn gang. Lãnh đạo công ty cho biết, các chuyên gia đang kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, vài ngày tới sẽ đưa vào luyện để ra mẻ phôi thép đầu tiên. Theo lãnh đạo công ty, các chuyên gia, công nhân Trung Quốc cũng như cán bộ công nhân viên Việt Nam hiện đang tập trung vào công việc.
Ngoài ra, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và nhà thầu Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực năng lượng hiện vẫn duy trì ổn định.
Hoạt động xuất nhập khẩu: Không đáng lo ngại!
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất nhập khẩu (XNK) lớn nhất của Việt Nam, do vậy, nhiều quan ngại cho rằng, sẽ có nhiều áp lực với nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo Cục XNK (Bộ Công Thương), số lượng hàng hóa XNK tại khu vực phía Nam vẫn duy trì tương đương thời điểm trước khi diễn ra vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Riêng khu vực miền Trung và cảng Cát Lái, hàng hóa hơi chững lại. Các doanh nghiệp ở khu vực này đang khắc phục sản xuất nên có sự chậm trễ trong khâu xử lý hàng hóa XNK.
Cục XNK đã chỉ đạo các phòng XNK đặc biệt phối hợp, hỗ trợ các thủ tục liên quan đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở Đồng Nai, Bình Dương. Riêng TP. Hồ Chí Minh, có một số thông tin sai lệch cho rằng, phía Việt Nam không cho làm ăn với phía Trung Quốc nên một số doanh nghiệp không dám mở L/C. Cục XNK đã kịp thời ra thông báo khẳng định: Các chính sách, cơ chế quản lý XNK của Việt Nam vẫn bình thường, không có gì thay đổi.
Tại các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, tuy các thương lái và các chủ cửa hàng ít nhiều dao động tâm lý, hàng hóa lưu thông có phần chững lại; nhưng sau khi thấy các chính sách của Việt Nam không có gì thay đổi, mọi hoạt động buôn bán, XNK từng bước được duy trì và ổn định trở lại.