Học hỏi kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Ngày 20/3, Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội" đã diễn ra tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Học hỏi kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế
Lựa chọn một số địa điểm có lợi thế vượt trội để hình thành đặc khu kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nguồn: internet
Chưa tận dụng được cơ hội, lợi thế

Trong khu vực và trên thế giới, mô hình đặc khu kinh tế phát triển khá mạnh mẽ, với các điển hình ở Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) hoặc tại Singapore, Ấn Độ. Các đặc khu này góp phần thu hút hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trở thành cực tăng trưởng, cực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.

Còn ở Việt Nam, kể từ khi Đặc khu kinh tế Vũng Tàu-Côn Đảo được thành lập năm 1979, sau đó giải thể vào năm 1991 để thiết lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thì Việt Nam chưa xây dựng được một đặc khu hành chính-kinh tế nào khác. Điều này cho thấy Việt Nam đã tương đối "chậm chân" so với các quốc gia trong khu vực trong việc hình thành các đặc khu hành chính-kinh tế.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, khẳng định: Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng 3 đặc khu kinh tế tại 3 địa phương có tiềm năng là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm tạo động lực phát triển cho từng vùng và cả nước.

Trên thế giới, mô hình đặc khu kinh tế đã được xây dựng và phát triển thành công ở nhiều quốc gia từ hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đối với Việt Nam đây là một mô hình mới, trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng.Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam cần nghiêm túc học hỏi các kinh nghiệm lựa chọn địa điểm thuận lợi, định hướng phát triển ngành nghề phù hợp; kinh nghiệm về cách thức vận hành, thể chế hành chính tinh gọn hiệu quả, sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu; đồng thời, cần có các cơ chế chính sách đủ sức cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất, xây dựng luật pháp như thế nào để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm...

Khó vẫn phải làm

Ông Andrew Grant, Giám đốc hợp danh cao cấp, lãnh đạo toàn cầu Khối Khu vực công Tập đoàn Mc Kinsey Singapore, cho biết có tới 50% đặc khu kinh tế trên thế giới được xây dựng nhưng thất bại. Vì vậy, cần nhiều thời gian và bài học đắt giá của thế giới để phát triển thành công một đặc khu kinh tế mà Việt Nam cần học hỏi.

Về những trở ngại, ông Parth Shri Tewari, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng: "Để thành công cần có những nỗ lực từ các cấp tỉnh, vùng và địa phương và đôi khi có những sự xung đột lợi ích nhưng vì lợi ích quốc gia và khu vực thì vẫn phải làm. Về điều kiện sẵn có, Việt Nam có nhiều lợi thế mà chưa tận dụng được, đặc biệt là các lợi thế tự nhiên. Cần tích cực nhìn vào những bài học thành công cũng như thất bại với những đặc khu kinh tế ở Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore…".

Đại diện WB cho rằng, yếu tố tiên quyết là phải khảo sát và đáp ứng tốt nhu cầu nhà đầu tư, vì nguồn lực từ các nhà đầu tư là yếu tố quan trọng. Tiếp đến là cung cấp nhân lực chất lượng cao, thể chế vận hành minh bạch, công bằng khu vực công và tư.

GS., TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra các giải pháp để có thể phát triển các đặc khu kinh tế. Cụ thể, cần phải sớm xây dựng, thông qua Luật về Đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính-kinh tế), đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII; cần xác định những vị trí có lợi thế địa-kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế; đồng thời, nghiên cứu, khảo sát cụ thể đặc điểm có lợi thế ở từng khu vực, từng địa điểm, từ đó, đẩy mạnh quảng bá với các nhà đầu tư nước ngoài.

Lưu ý về yếu tố nguồn lực và thể chế, GS., TS. Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để phát triển các đặc khu kinh tế, cần tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng và ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu đã hình thành trên thế giới.

Có cùng quan điểm, bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, chia sẻ: "Một trong những kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến chính là phải “dám làm”. Ngay từ đầu, khó có thể đòi hỏi hoàn thiện ngay, nhưng nếu không bắt tay vào làm rồi điều chỉnh, đúc rút kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn, thì không thể tạo ra bước đột phá".

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Hirokazu Yamaoka, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Hỗ trợ Kinh doanh Nước ngoài JETRO, cho biết: Việc thành lập đặc khu chiến lược quốc gia thành công góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Nhật Bản từ trì trệ sang hồi sinh.

Tại các Đặc khu toàn diện (CSZ), Nhật Bản đã áp dụng các chính sách đặc thù. Ví dụ trong trường hợp các công ty thực hiện những dự án thuộc trường hợp ngoại lệ, các công ty có thể được hưởng đãi ngộ đặc biệt, với 20% doanh thu sẽ được khấu trừ vào khoản thu nhập chịu thuế. Tỷ lệ khấu hao, khấu trừ thuế cũng được điều chỉnh theo mức ưu đãi tốt hơn… Tuy nhiên, việc chỉ định giám sát CSZ để Phát triển năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được giới hạn nghiêm ngặt trong một số lượng nhỏ. 

Kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc nghiên cứu tiếp thu những bài học kinh nghiệm, những ý kiến tư vấn của các đại biểu thực sự rất hữu ích đối với Việt Nam.