Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong quản lý thuế
Nhiều năm qua, việc học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác quản lý thuế được coi là một phương pháp quản lý hiệu quả của Cục thuế Yên Bái.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác quản lý tài chính. Người chỉ rõ chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước ta là “tăng thu giảm chi”, là “làm ra nhiều chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng” và Người nhấn mạnh “đó là tất cả chính sách kinh tế tài chính của ta”. Công tác tài chính phải chủ động phân phối nguồn lực tài chính, các khoản thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cho phát triển, tiêu dùng, phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, phải làm cho nhân dân no ấm thì “Mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giầu”.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, xuất phát từ lợi ích của người nộp thuế (NNT) và thực hiện khoan sức dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác thuế đã từng bước được hoàn thiện từ cơ chế chính sách đến quy trình quản lý hành thu và giảm tỷ lệ động viên về thuế, tăng thêm nhiều ưu đãi cho NNT.
Nhiều nguồn thu được bãi bỏ, không huy động như: thuế sát sinh, thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giãn, hoãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ; giảm và miễn thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công, nhằm giảm bớt nghĩa vụ đóng góp của NNT…
Cùng với việc ban hành chính sách mới và sửa đổi, bổ sung các sắc thuế, bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại phí, lệ phí không phù hợp với thực tế, ngành thuế còn tích cực triển khai các chương trình cải cách hành chính thuế theo hướng xoá bỏ các thủ tục rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của NNT, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT tuân thủ pháp luật thuế.
Thực hiện nghiêm pháp luật về thuế và thực hiện tốt lộ trình cải cách thủ tục hành chính thuế, ngành thuế Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đăng ký thuế, tiếp nhận hồ sơ khai thuế và hỗ trợ chính sách thuế để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm.
Sự nghiệp công tác thuế là của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân ta có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức làtuân theo pháp luật Nhà nước; đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung”. Vì vậy, công tác thuế phải do “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để quần chúng nhân dân biết và đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong quản lý thuế. Vì vậy, ngành Thuế đã thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính thuế ở cơ quan thuế các cấp.
Tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên tổ chức tập huấn chính sách thuế mới và đối thoại trực tiếp với NNT để tháo gỡ vướng mắc, nhằm đưa chính sách thuế đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao nhất.
Với phương châm “thu thuế phải thu được lòng dân”, ngành thuế đã không ngừng đổi mới phương thức quản lý thuế, vận dụng sáng tạo các chính sách thuế vào điều kiện thực tế của tỉnh. Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quản lý nguồn thu và quan tâm nuôi dưỡng để tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách.
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh miễn thuế giá trị gia tăng cho NNT có mức thu nhập bình quân/tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung theo qui định của pháp luật thuế hiện hành, giúp NNT có thu nhập thấp từng bước nâng cao đời sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Từ đó, tăng tích luỹ, đời sống ấm no và thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, trong đó có nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế còn tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, nhằm động viên được các nguồn lực, khuyến khích DN đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, góp phần tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho NSNN nên đã thực hiện đuợc mục tiêu “thu đúng, thu đủ”. Do đó, liên tục qua các năm, ngành thuế đều hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách từ 5-20% mà Trung ương và tỉnh giao cho, với 1.941 tỷ đồng là kết quả thu 4 năm (2007- 2010), đáp ứng một phần nhu cầu chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác quản lý thuế được coi là một phương pháp quản lý hiệu quả. Bởi tư tưởng và đạo đức của Bác là sự kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Học tập tư tưởng của Bác để mỗi cán bộ, công chức thuế thể hiện tốt tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ NNT và tận tụy với công việc. Đồng thời, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” như Bác đã từng dạy, góp phần thực hiện tốt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.