Học thuyết Keynes ở Argentina

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Kicillof được coi là đại diện của Argentina trước quốc tế trong cuộc chiến chống lại các “quỹ kền kền” - vốn mua lại các trái phiếu chính phủ Argentina với giá rẻ mạt nhưng lại yêu cầu được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi gia nhập nội các Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, trong giới trí thức, Kicillof đã được biết đến là tác giả của cuốn sách Volver a Keynes (Sự quay trở lại của Keynes).

Chính sách tăng cầu tiêu dùng nhưng thiếu nguồn cung tại chỗ đã làm tăng nợ quốc gia. Nguồn: internet
Chính sách tăng cầu tiêu dùng nhưng thiếu nguồn cung tại chỗ đã làm tăng nợ quốc gia. Nguồn: internet

Người học trò xuất sắc

"Tất cả chúng ta hiện tại đều là hậu duệ của Keynes" là câu nói nổi tiếng của Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Richard Nixon vào năm 1971. Ngày nay, ông Axel Kicillof, Bộ trưởng Kinh tế của Argentina cũng đang trong tâm trạng này. Nhưng liệu cách làm của ông có mang lại hiệu quả?

Kicillof được coi là đại diện của Argentina trước quốc tế trong cuộc chiến chống lại các “quỹ kền kền” - vốn mua lại các trái phiếu chính phủ Argentina với giá rẻ mạt nhưng lại yêu cầu được thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi gia nhập nội các Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, trong giới trí thức, Kicillof đã được biết đến là tác giả của cuốn sách Volver a Keynes (Sự quay trở lại của Keynes).

Tuần trước, trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu của Argentina, ông Kicillof giải thích các chính sách của chính phủ như một ứng dụng thực tế lý thuyết Keynes. Trong một bài phát biểu kéo dài một giờ, ông đã nêu ra hai điểm chính.

Đầu tiên, Kicillof cho rằng, kinh tế Argentina tăng trưởng nhanh chóng trong khoảng thời gian nước này vỡ nợ từ năm 2001 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhờ ứng dụng lý thuyết về Keynes. Lý thuyết của Keynes nói rằng, trong một nền kinh tế thị trường không nhất thiết phải tạo ra nhu cầu riêng và có thể tránh được việc thiếu hụt nhu cầu gây ra suy thoái kinh tế. Logic này có ứng dụng được tại Argentina?

Khi nền kinh tế Argentina sụp đổ vào năm 2001, người dân bị mất việc làm và doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận tín dụng khiến nhu cầu trong nước sụp đổ, sản lượng giảm mạnh.

Tuy nhiên, khi một đất nước bỏ rơi tỷ giá đồng nội tệ với USD thì tỷ giá thực tế sẽ bị đẩy lên cao. Điều này đã làm dịch chuyển nhu cầu sử dụng hàng trong nước sản xuất thay cho hàng nhập khẩu. Tiếp theo, giá lương thực xuất khẩu tăng mạnh, thuế tăng cao tại Argentina nhằm tăng nguồn thu chính phủ để hỗ trợ cho các chi phí tăng lên. Khi Argentina bị các thị trường tài chính thế giới cô lập, ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong nước bởi lo sợ nguồn vốn nước ngoài rời khỏi nước này. Sự thúc đẩy tài chính và tiền tệ đã giúp Argentina nhanh chóng phục hồi.

Kinh tế phục hồi khi và chỉ khi không ai bi quan

Thoạt nghe, những điều ông Kicillof nói có vẻ là đúng. Điều này giống như những gì Keynes viết về lạm phát. Nhưng Keynes có lẽ sẽ không chấp nhận cách theo đuổi chính sách vĩ mô của nữ Tổng thống Argentina hiện nay - bà Cristina Fernández và người tiền nhiệm là chồng bà, cố Tổng thống Néstor Kirchner. Cách tiếp cận theo lý thuyết của Keynes là phải đảm bảo nhu cầu mà không bỏ rơi nguồn cung. Hai vợ chồng bà Fernández đã biết chắc rằng, cầu vượt xa cung. Thực tế là tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina đã đứng ở mức trên 20% trong hơn một thập kỷ qua đã cho thấy rõ điều này.

Điểm thứ hai ông Kicillof chỉ ra là các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Argentina không nên bi quan. Ám chỉ đến lý thuyết của Keynes là khi ta kỳ vọng sẽ giúp biến điều đó trở thành hiện thực. Ông Kicillof cảnh báo rằng, nếu mọi người có ý nghĩa bi quan thì mọi việc sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Keynes đã từng nói, việc chúng ta nhìn nhận sự vật rất quan trọng và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa giống như một cuộc thi sắc đẹp, các giám khảo không bỏ phiếu cho các thí sinh đẹp nhất mà là bỏ phiếu cho các thí sinh mà họ tin rằng các đồng nghiệp của họ cho là đẹp nhất. Do vậy, sự kỳ vọng có thể làm thay đổi kết quả.

Nhưng người Argentina không phải bi quan về nền kinh tế bởi những người bi quan lại là từ nơi khác quan sát và phát biểu. Họ bi quan vì nền tảng cơ bản của nền kinh tế còn yếu kém - một sự khác biệt cơ bản.

Năm 1991, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman - người có lẽ là một hậu duệ Keynes hàng đầu hiện nay - chỉ ra rằng, việc mong đợi trở thành hiện thực phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cơ bản. Nếu nền tảng cơ bản của nền kinh tế đang rất yếu, một cuộc khủng hoảng sớm hay muộn chắc chắn sẽ xảy ra; nếu nền tảng kinh tế cơ bản của nước đó mạnh thì sẽ không bao giờ xảy ra một cuộc khủng hoảng và nếu nước đó đang ở mức trung bình thì một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra nếu mọi người mong muốn như thế.

Một vài năm trước đây, khu vực châu Âu cũng ở trong tình huống thứ ba. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì" để cứu đồng euro. Tuyên bố của ông Draghi đã ngay lập tức ngăn chặn được cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, mặc dù cuộc khủng hoảng tăng trưởng hiện vẫn chưa được giải quyết.

Nhưng Argentina không phải là khu vực đồng euro. Những gì mà ông Kicillof nói có thể sẽ không có tác dụng như lời của ông Draghi.

Argentina ngày nay không cho thấy cảm giác an toàn và quen thuộc như những gì có trong lý thuyết của Keynes nữa. Nhưng không thể đổ lỗi cho Keynes. Mà lỗi thuộc về Kicillof và Fernández.