Học viện Tài chính: Tự hào nửa thế kỷ vươn lên

GS, .TS. NGÔ THẾ CHI - GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

(Tài chính) Nhân dịp 50 năm thành lập Học viện Tài chính (1963-2013), GS., TS. Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính đã có bài viết về những mốc son ghi dấu một chặng đường nửa thế kỷ đã qua của Học viện.

Học viện Tài chính: Tự hào nửa thế kỷ vươn lên

Vững bước đi lên

Trước yêu cầu của công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 117/CP thành lập Trường cán bộ Tài chính Kế toán Trung ương (trực thuộc Bộ Tài chính). Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của một cơ sở đào tạo chuyên sâu về tài chính, kế toán ở Việt Nam. Địa điểm của Trường đặt tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, một nhiệm vụ chính trị quan trọng tiếp tục được đặt ra là cần phải có một đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh tiền tệ nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng ở Việt Nam phục vụ yêu cầu cấp bách của nền kinh tế lúc bấy giờ; trường đảm nhận thêm chức năng đào tạo cán bộ ngân hàng, năm 1964, đổi tên thành Trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương.

Ra đời trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước; cơ sở vật chất thiếu thốn, tài liệu, giáo trình không có, và rồi chiến tranh phá hoại Miền Bắc, thầy trò phải gồng gánh sơ tán, vừa dạy vừa học, vừa tham gia kháng chiến. Nhưng cũng chính từ những gian khó đó mà lòng quyết tâm đã được nhân lên, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã kiên cường vượt qua thách thức, vững bước đi lên.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, công cuộc tái thiết đất nước được mở rộng trên phạm vi cả nước, đòi hỏi cần phải tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế. Cùng với đào tạo, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ tài chính, kế toán và hoạt động nghiên cứu khoa học tài chính được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Trước yêu cầu đó, ngày 27/10/1976, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên trường từ Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương, thành trường Đại học Tài chính- Kế toán trực thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 226/QĐ-CP). Đây không chỉ là sự đổi tên Trường mà là một bước phát triển mới về chất, nâng cao vị thế của một cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn đất nước bước vào công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng, nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý kinh tế nói chung và cán bộ quản lý tài chính kế toán có chất lượng cao nói riêng, đặt ra cho nhà trường cần phải nhanh chóng đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình; đổi mới phương pháp đào tạo nhằm mở rộng quy mô đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.

Bước vào giai đoạn mới (2001-2010) với mục tiêu phát triển nhà trường thành cơ sở đào tạo lớn theo hướng đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, đảm nhận sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, ngày 17/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg thành lập Học viện Tài chính trên cơ sở sát nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội, Viện nghiên cứu Tài chính và Trung tâm bồi dưỡng cán bộ (Bộ Tài chính) và thành lập thêm 02 phân viện: Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh và Phân viện Đà Nẵng.

Ngày 01/01/2002, Học viện Tài chính chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới. Để tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học tài chính, một năm sau đó Học viện tiếp tục tiếp nhận thêm Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả và Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ của cục Dự trữ Quốc gia, đảm nhận chức năng quản lí khoa học ngành và bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu ngành tài chính.

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Học viện tài chính hôm nay đã thực sự trở thành một đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế; đảm nhận 3 chức năng chủ yếu nhằm thực hiện sử mạng “Cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội”:

Thứ nhất, đào tạo cán bộ trình độ đại học, sau đại học về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh; tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 4 loại hình đào tạo (Đại học chính quy, Đại học vừa làm vừa học, Đại học bằng 2, Liên thông đại học);

Thứ hai, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý;

Thứ ba, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính - kế toán.

Phát triển không ngừng

Có thể thấy rõ một nét son trong suốt 50 năm qua là các thế hệ thầy và trò của Học viện đã luôn luôn đoàn kết, chung lưng đấu cật, vượt lên muôn vàn khó khăn, năng động, sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất tạo nên những kỳ tích đưa Học viện tài chính ngày một trưởng thành và phát triển không ngừng.

Trong lĩnh vực đào tạo, từ chỗ có chưa đầy 40 giáo viên kiêm nhiệm tham gia đào tạo một khóa dài hạn và một khóa chuyên tu với số sinh viên chưa đầy 500 người, chương trình, nội dung đào tạo còn nghèo nàn, chuyên ngành đào tạo còn hạn chế thì nay Học viện đã có một đội ngũ giáo viên phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngày càng đông đảo tham gia đào tạo với hầu hết các chuyên ngành mà nền kinh tế tài chính của đất nước đòi hỏi, số lượng đào tạo hàng năm trên vài nghìn sinh viên.

Hầu hết sinh viên ra trường đều phát huy được tài năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước trong thời chiến cũng như trong thời bình. Rất nhiều trong số sinh viên ra trường đã giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài việc đào tạo cử nhân kinh tế, từ năm 1991, Học viện được Nhà nước giao trách nhiệm đào tạo trên đại học. Hàng năm Học viện chiêu sinh đào tạo hàng trăm học viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh với chương trình, nội dung đào tạo ngày một cải tiến phù hợp với yêu cầu đổi mới kinh tế, tài chính của đất nước. Nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước và cấp Học viện được đánh giá có chất lượng, được nghiên cứu áp dụng trogn thực tiễn. Ngoài ra, tính đến nay Học viện đã đào tạo cho nước bạn Lào hàng trăm cán bộ kinh tế tài chính có trình độ đại học và trên đại học.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học cũng có bước phát triển quan trọng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện cũng như trong việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính của đất nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, nhiều vấn đề kinh tế, tài chính đã và đang đặt ra đòi hỏi phải có một quá trình nghiên cứu giải quyết.

Nắm bắt được nhu cầu thực tế đó, được lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng giao nhiệm vụ, nhiều đề án chiến lược tài chính, chiến lược thuế, kế hoạch tài chính trung hạn, các dự án đổi mới công tác quản lý kinh tế, tài chính cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Học viện phục vụ công tác điều hành, quản lý tài chính của đất nước, công tác đào tạo của Học viện, được giáo viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học của Học viện triển khai nghiên cứu có kết quả, được các cơ quan quản lý đánh giá cao và từng bước được nghiên cứu áp dụng vào thực tế.

Ngoài ra, trong công tác quản lý khoa học, những năm gần đây Học viện đã được Bộ Tài chính tin tưởng giao nhiệm vụ là đơn vị quản lý khoa học của toàn ngành. Với trách nhiệm cao, cán bộ công nhân viên của Học viện đã từng bước đưa công tác quản lý khoa học đi vào quy củ nề nếp có nhiều đổi mới quan trọng.

Song song với việc triển khai công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, 50 năm qua công tác xây dựng cơ sở của Học viện không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Những giai đoạn tranh tre, nứa lá tại nơi sơ tán Lập Thạch, Phúc Yên đã lùi xa, trở thành câu chuyện cổ tích đối với thế hệ sinh viên các khóa gần đây.

Giờ đây tại trung tâm Thủ đô và huyện Từ Liêm, Học viện Tài chính có một cơ ngơi đủ phục vụ tốt cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa khác. Giảng đường, thư viện, phòng ban làm việc đều được xây dựng kiên cố, khang trang, thoáng mát có đầy đủ tiện nghi cần thiết. Thư viện của Học viện có hàng vạn đầu sách, báo và tạp chí với phương thức phục vụ hiện đại đảm bảo thuận lợi cho nghiên cứu phục vụ của giáo viên và học tập của sinh viên. Các giảng đường đều được lắp đặt các thiết bị tương đối hiện đại phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phòng học ngoại ngữ, vi tính với nhiều thiết bị máy móc cần thiết đã được xây dựng nhiều năm nay. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chính khóa, ngoại khóa được Học viện quan tâm đầu tư xây dựng. Nhìn vào cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện trong 50 năm qua cho thấy sự cố gắng đáng tự hào của nhà trường.

Đi đôi với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất, trong 50 năm công tác đối ngoại cũng được Học viện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Với quan điểm mở rộng quan hệ đối ngoại để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, quảng bá hình ảnh của Học viện, quan hệ đối ngoại của Học viện không ngừng được mở rộng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Học viện đã mở rộng liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với hàng chục trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Nhiều trường đại học nước ngoài có uy tín thông qua các dự án đã giúp đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ giáo viên của Học viện.

Một điểm nhấn nổi bật nữa là công tác xây dựng đội ngũ của Học viện không ngừng được kiện toàn và đổi mới qua các năm. Đây là yếu tố có tính quyết định đến quá trình trưởng thành và phát triển của Học viện. Nếu ngày đầu mới thành lập Trường mới có 133 cán bộ công nhân viên, giáo viên, trong đó chỉ có 37 giáo viên kiêm nhiệm hầu hết mới tốt nghiệp cử nhân kinh tế hoặc cán bộ đã kinh qua công tác thực tế giảng dạy thì con số đó đến nay đã tăng gấp gần 6 lần.

Ban đầu Trường có 04 khoa chuyên ngành (ngân sách, tài vụ, kế toán, ngân hàng) và một số phòng ban làm công tác quản lý. Đến nay Học viện đã có 14 khoa, 12 ban và tương đương, 5 đơn vị sự nghiệp. Tổng số cán bộ, giảng viên tính đến nay là 731, trong đó có 459 giảng viên, 46 nghiên cứu viên, 226 cán bộ viên chức quản lý, phục vụ. Số cán bộ, viên chức có trình độ từ thạc sỹ trở lên là 345 người, trong đó có 31 giáo sư và phó giáo sư, 102 tiến sỹ, 243 thạc sỹ. Một điểm nhấn nổi bật nữa là công tác xây dựng đội ngũ của Học viện trong 50 năm qua không chỉ gia tăng về số lượng mà có sự thay đổi cả về chất, ngày càng có cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu phát triển của Học viện.

Thành quả đáng tự hào

Với những thành tích kể trên, trong 50 năm qua, Học viện đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước CHDCND Lào trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động; Huân chương ITSARA, Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Lào trao tặng 54 cán bộ, giáo viên được công nhận là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 15 Chiến sĩ toàn quốc và nhiều danh hiệu vẻ vang khác.

Nửa thế kỷ qua là một khoảng thời gian dài phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua khó khăn thử thách của các thế hệ thầy và trò, Học viện đạt được những thành tích đáng tự hào và trân trọng. Trên bước đường phát triển hôm nay, tin chắc rằng, với điểm tựa vững chắc là những thành quả đã đạt được trong 50 năm qua, Học viện Tài chính sẽ có một tương lai sáng đẹp hơn, xứng đáng với công sức của lớp người đi trước đã xây nền đặt móng…