Hội chứng “nghiện dự án”
(Tài chính) Hội chứng “nghiện dự án” đã và đang xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không có hoặc hiệu quả thấp. Không ít dự án không có vốn để tiếp tục thực hiện dẫn đến lãng phí nghiêm trọng.
Ngày 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Thực hiện Chỉ thị 1792, hoạt động đầu tư từ ngân sách Trung ương đã được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Tuy nhiên, hội chứng “nghiện dự án” vẫn tiếp diễn.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 35.379 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên có tới 12.988 dự án khởi công mới, chiếm 36,63% (năm 2012 chỉ có 33,34%). Nhiều địa phương có tới quá nửa dự án đang triển khai là dự án khởi công mới. Chẳng hạn, Quảng Ninh có 262 dự án khởi công mới/416 dự án, chiếm 62,98%, tương tự, Cao Bằng 302/468 dự án, chiếm 64,53%; Bắc Kạn 240/486 dự án, chiếm 49,38%; Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh... cũng nằm trong diện này.
Tình trạng dự án chậm tiến độ phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp số liệu báo cáo của 113/123 cơ quan có báo cáo, kết quả: Năm 2013, có tới 3.391 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,59% số dự án thực hiện. Có 3.982 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, trong đó 2.081 dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư và 1.454 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư. Đáng chú ý, trong năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 724 dự án có thất thoát, lãng phí, tăng gần như gấp đôi so với con số 368 dự án có thất thoát, lãng phí của năm 2012, số tiền được xác định bị thất thoát, lãng phí ít nhất là 74 tỷ đồng.
Đâu là nguyên nhân của hội chứng “nghiện dự án”? Nhiều chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, đó là do tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích và không loại trừ cả hành vi tham nhũng từ dự án. Vậy, làm gì để “điều trị căn bệnh nghiện dự án”?
Trước hết, cần chấn chỉnh kỷ cương trong quyết định đầu tư. Chỉ thị 1792/CT-TTg đã ban hành từ năm 2011, song nhiều địa phương vẫn vi phạm vào năm 2013. Vì sao, tình trạng “ trên bảo, dưới không nghe” trong đầu tư công vẫn tiếp diễn mà không có ai bị kỷ luật? Đã đến lúc cần phải quy định rõ ràng về trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định đầu tư nếu vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hoặc để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Xem xét lại và sửa đổi quy định về phân cấp đầu tư là một trong những vấn đề cấp bách. Không thể lấy lý do “tạo điều kiện để các địa phương năng động, sáng tạo” để phân cấp tràn lan trong đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách. Bởi, khi được “năng động, sáng tạo”, các địa phương cứ ồ ạt quyết định đầu tư, nhưng khi không thể tự cân đối được vốn, tất yếu sẽ có những cuộc chạy “maraton” để xin vốn từ Trung ương và nhiều hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra từ những “cuộc chạy đua” này.
Lập lại trật tự trong lĩnh vực đầu tư công đã và đang là đòi hỏi cấp bách của cuộc sống. Đó là “sứ mệnh lịch sử” của Luật Đầu tư công sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.