Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2: Chưa có đột phá
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đã không đạt đột phá như dư luận kỳ vọng. Mặc dù vậy, cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên.
Vẫn còn khoảng cách
Ngày thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có lịch trình bận rộn: Mở đầu bằng cuộc họp kín giữa hai nhà lãnh đạo vào lúc 9 giờ, kéo dài trong khoảng 45 phút. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiến hành cuộc họp song phương mở rộng với sự tham gia của các trợ lý... Trước đó, Nhà Trắng cho biết, các cuộc đàm phán cốt lõi cùng những vấn đề nhạy cảm trong chương trình nghị sự được tiến hành trong ngày 28/2.
Ngày thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng đã khởi đầu với nhiều tín hiệu lạc quan. Tại phiên họp mở rộng, một phóng viên hỏi: “Chủ tịch Kim, ngài có sẵn sàng phi hạt nhân hóa không?”. Ông Kim đã trả lời: “Tôi sẽ không ở đây nếu như tôi không sẵn sàng làm điều đó”.
Các nhà quan sát cũng nhận thấy, những ngôn từ và cử chỉ mà hai nhà lãnh đạo thể hiện tại cuộc gặp song phương trong hai ngày qua đều thể hiện sự thiện chí và hữu nghị. Tuy nhiên, cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un kết thúc sớm hơn dự kiến và hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Mỹ và Triều Tiên không thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Hai bên đều cảm thấy rằng, ký kết một thỏa thuận tại thời điểm này chưa phải là điều tốt, Tổng thống Trump cho biết.
Đàm phán Mỹ - Triều Tiên chưa thể mang lại đột phá bởi lẽ yêu cầu của mỗi bên đều vượt quá khả năng đáp ứng của đối phương. Tổng thống Donald Trump xác nhận, hai bên đã có một số lựa chọn nhưng chưa thể nhất trí về bất cứ điều gì tại cuộc gặp lần này.
Những lựa chọn mà ông Trump đề cập tới là việc Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa một số khu vực, nhưng Mỹ cho rằng những khu vực đó ít quan trọng hơn so với những địa điểm Mỹ yêu cầu. Trong khi đó, Chủ tịch Kim muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt Triều Tiên, điều mà trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Tổng thống Donald Trump đã khẳng định là không thể.
Không thể vội vã
“Đôi khi bạn phải đi bộ và đây là một trong những thời điểm đó”, Tổng thống Donald Trump cho biết tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Phát biểu này một lần nữa nhấn mạnh thông điệp mà chính quyền Mỹ phát đi trước đó, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố: Mỹ không vội vã trong vấn đề phi hạt nhân hóa và không đề ra khung thời gian cụ thể với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, mặc dù không có thỏa thuận nào song Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này vẫn đạt được nhiều tiến triển so với cuộc gặp đầu tiên ở Singapore. Tổng thống Donald Trump không ngừng nhấn mạnh, “hai ngày qua rất đặc biệt”, “hai bên đã có quãng thời gian thật sự hiệu quả”, đồng thời mô tả mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim “rất ấm áp”...
Ông Trump cho biết, cuộc thảo luận không kết thúc trong mâu thuẫn gay gắt mà hai bên rời bàn đàm phán một cách hữu nghị. Mặc dù tại thời điểm này, hai nước chưa có kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 3 nhưng Mỹ hoàn toàn lạc quan vào các cuộc thảo luận tiếp theo với Triều Tiên.
Khi cùng Tổng thống Donald Trump gặp gỡ báo chí nhanh trước khi tiến hành họp kín ngày 28.2, Chủ tịch Kim Jong-un cũng nói rằng, nhiều người tỏ ra hoài nghi về cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo. “Tôi chắc rằng tất cả họ đều đang theo dõi khoảnh khắc chúng ta ngồi cùng nhau, như thể họ đang xem một bộ phim”, ông Kim nói.
Dưới con mắt của các nhà ngoại giao, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 là bước tiến đúng hướng trong xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai nước. Ngay cả khi đàm phán lần này không đạt được đột phá nhưng việc lãnh đạo hai nước sẵn sàng gặp nhau để đối thoại và giải quyết bất đồng là bước đi vững chắc hướng đến kết quả to lớn hơn.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, đàm phán Mỹ - Triều Tiên là tiến trình phức tạp và dai dẳng, liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm như bình thường hoá quan hệ song phương, nới lỏng cấm vận, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo... Vì vậy, không thể có giải pháp tổng thể trong một sớm một chiều. Kết thúc hội nghị, Tổng thống Trump cũng khẳng định, so với năm ngoái, hai bên đã tiến gần hơn tới thu hẹp bất đồng và sớm muộn sẽ đạt được điều đó!
Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội khép lại, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã ra tuyên bố: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã không thể đạt thỏa thuận toàn diện tại cuộc gặp Thượng đỉnh hôm nay. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ ý nghĩa hơn so với trước đây”.
Trước thềm Hội nghị Thượng định Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae - in cho rằng: “Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã tiến xa trên con đường mà chưa ai từng thử sức”. Tuy nhiên, tương lai của bán đảo Triều Tiên vẫn phải được quyết định cuối cùng bởi Hàn Quốc và Triều Tiên, ông Moon khẳng định.
“Chúng ta không còn nằm ngoài phạm vi của lịch sử. Tôi hy vọng, chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với niềm tự hào và tự tin vào sức mạnh để quyết định và mở ra 100 năm tới nằm ở chính chúng ta”. Thông điệp này tỏ rõ quyết tâm của Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục theo đuổi các nỗ lực nhằm mang lại hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.