Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với NSNN: Nâng cao chất lượng giám sát NSNN thông qua việc tăng cường quản trị Nhà nước một cách có hiệu quả”
(Tài chính) Trong hai ngày 4 và 5/3/2013 tại Phnông-pênh, Thủ đô của Vương quốc Campuchia đã diễn ra Hội nghị lần thứ tư “Vai trò của Quốc hội đối với Ngân sách Nhà nước: Nâng cao chất lượng giám sát ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua việc tăng cường quản trị nhà nước một cách có hiệu quả” do Uỷ ban Ngân sách, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán của Quốc hội Campuchia chủ trì tổ chức.
Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp Ngài Săm-đéc Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia tới tham dự và phát biểu khai mạc. Tại phiên họp đầu tiên, Hội nghị đã nghe đại biểu của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam trình bày tổng quan về tình hình thực hiện các kết quả của Hội nghị lần trước diễn ra trong các ngày 10-11/01/2012 tại Hà Nội.
Trong hai ngày làm việc, qua bốn phiên họp toàn thể với các chủ đề khác nhau, Hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận của đại diện Uỷ ban Kinh tế, Ngân sách, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước của ba nước, các bài trình bày của chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học về nội dung nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan Quốc hội thông qua việc tăng cường quản trị nhà nước trong quản lý tài chính và NSNN. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng dành thời gian phân tích các thách thức và trao đổi các biện pháp đáp ứng nhằm tăng cường quản lý NSNN, cũng như thảo luận để xây dựng kế hoạch hợp tác cho thời gian tới.
Đoàn cán bộ của Bộ Tài chính Việt Nam đã tham gia vào các cuộc thảo luận và có những đóng góp tích cực vào kết quả của Hội nghị. Đặc biệt, trong phiên họp “Quản trị hiệu quả và NSNN”, đại diện Bộ Tài chính đã có bài tham luận về Nâng cao hiệu quả quản lý NSNN ở Việt Nam. Bài tham luận đã nêu bật những chuyển biến lớn trong thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam từ một nước ngân sách phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài.
Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới và đặc biệt sau khi có Luật NSNN đầu tiên được ban hành năm 1996, công tác quản lý, điều hành ngân sách đã có những đổi mới quan trọng, đáp ứng các yêu cầu cải cách tài chính trong tiến trình hội nhập, tăng cường phân cấp, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và địa phương trong quản lý và sử dụng ngân sách, tăng cường tính chủ động, gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong quản lý ngân sách và tài sản nhà nước. Các biện pháp đã được tiến hành nhằm đổi mới phương thức quản lý, sử dụng ngân sách, gắn đầu tư của ngân sách với hiệu quả kinh tế - xã hội, thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh công khai, minh bạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi NSNN qua các quy định về tăng cường trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với xử lý vi phạm và nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Tham luận của Bộ Tài chính cũng nêu ra những kết quả cải cách cụ thể và trao đổi những thách thức, khó khăn trong quá trình cải cách quản lý NSNN ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Các bài học rút ra như cơ cấu chi NSNN được duy trì ở mức hợp lý, cân đối NSNN tích cực và vững chắc, chủ động trong quản lý điều hành NSNN,... đã gây được sự quan tâm đặc biệt của Hội nghị.
Kết quả Hội nghị sẽ góp phần quan trọng cho hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, cải cách hệ thống chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý ngân sách nhà nước để đáp ứng yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế của Campuchia, Lào, Việt Nam trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, hội nghị về chủ đề tài chính và ngân sách tiếp tục được luân phiên tổ chức giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Uỷ ban Kinh tế, Ngân sách, Bộ Tài chính và kiểm toán Nhà nước của ba nước sẽ được tăng cường với các hình thức hoạt động phong phú.
Trong thời gian làm việc tại Campuchia, đoàn công tác Bộ Tài chính do Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ông Keat Chhon - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia tại trụ sở của Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia. Hai bên đã trao đổi tình hình kinh tế tài chính của mỗi nước, kinh nghiệm trong quản lý NSNN và bàn các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác tài chính giữa hai nước.
Trong năm 2012, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,03% so với năm 2011, đạt hầu hết các chỉ tiêu phát triển, xuất khẩu tăng 7,1% và xuất siêu ước đạt 284 triệu USD. Về tình hình kinh tế Campuchia, Phó Thủ tướng Keat Chhon cho biết, theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2012 đạt khoảng 7,3%. Đến nay, Campuchia đã đạt hầu hết các chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ (trừ chỉ tiêu giảm nghèo mặc dù trong những năm gần đây tỷ lệ nghèo đói đã giảm trung bình 1%/năm). Để tránh tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hiện nay Chính phủ Campuchia có chính sách phát triển kinh tế đa dạng hóa, không dựa quá nhiều vào xuất khẩu.
Về quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong những năm qua đã tăng nhanh, tuy nhiên không cân đối (phía Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam ít hơn). Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường quan hệ trao đổi thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến tại Campuchia nhằm tạo ra nhiều hàng hóa hơn để xuất khẩu sang Việt Nam.
Về quan hệ hợp tác tài chính giữa hai nước trong thời gian qua, phía Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng năm và cấp các khoản tín dụng ưu đãi để xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông của Campuchia. Phó Thủ tướng Keat Chhon cũng bày tỏ sự quan tâm của Chính phủ Campuchia tới việc trao đổi với Chính phủ Việt Nam để sử dụng Cảng Nha Trang nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh phía Đông-Bắc Campuchia sang các nước thứ ba.
Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Tài chính trong các diễn đàn tài chính đa phương, đặc biệt là hợp tác cùng nhau để đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hai Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác tài chính song phương nhằm không chỉ tăng cường các hoạt động trao đổi các đoàn công tác, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về quản lý tài chính mà còn tạo thuận lợi cho việc phát triển mối quan hệ trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và diễn biến phức tạp của giá cả quốc tế đối với một số mặt hàng quan trọng, hai bên cần tăng cường hơn nữa hợp tác hải quan để chống lại các hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Hiện nay, để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, Chính phủ Việt Nam đang duy trì ổn định giá bán lẻ xăng dầu ở mức tương đối thấp so với các nước xung quanh (chỉ khoảng 1,1 USD trong khi giá bán lẻ xăng dầu của Campuchia ở mức xấp xỉ 1,4 USD).
Cũng trong thời gian chuyến thăm Campuchia, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp đã có buổi làm việc với Ông Mao Vuthy Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Xiêm-riệp và lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Tỉnh (như Tài chính, Kho bạc, Nông nghiệp, Du lịch). Tại buổi làm việc, hai bên thông báo cho nhau tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam và tỉnh Xiêm-riệp.
Ông Mao Vuthy cho biết, tỉnh Xiêm-riệp là một tỉnh nằm ở phía Bắc–Tây Bắc, cách Thủ đô Phnông-pênh hơn 300 Km, có nhiều di tích đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như quần thể Ăng-ko Vát, Biển Hồ thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Kinh tế của tỉnh Xiêm-riệp chủ yếu dựa vào thu nhập từ hai ngành nông nghiệp và du lịch. Số lượng khách du lịch đến từ Việt Nam hiện đứng hàng đầu trong số khách du lịch quốc tế do Việt Nam có thuận lợi về cả đường hàng không lẫn đường bộ. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia năm 2012 đạt trên 4 triệu lượt người, trong đó 20% đến tỉnh Xiêm-riệp. Ngành Du lịch không chỉ đem lại nguồn thu quan trọng mà còn hỗ trợ, tạo thuận lợi cho Tỉnh phát triển các ngành kinh tế liên quan như cung cấp thực phẩm, khách sạn, nhà hàng,… Về tình hình thu chi ngân sách, tuy là Tỉnh giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng hàng năm Xiêm-riệp vẫn phải nhận hỗ trợ tài chính từ ngân sách trung ương. Qua trao đổi, phía bạn đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam trong phân cấp quản lý NSNN theo hướng tăng thêm nguồn thu và trách nhiệm chi NSNN cho chính quyền địa phương.
Ngày 6/3/2013, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp và đoàn công tác của Bộ Tài chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Campuchia và lên đường về nước.