Hội nhập AEC: Biến động ngành ngân hàng
(Tài chính) Với việc Việt Nam chính thức hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), năm 2015 được dự báo sẽ có nhiều tập đoàn, ngân hàng lớn của các nước Asean theo chân người Thái không chỉ trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng mà ngay cả trong thị trường tài chính.
Một số ngân hàng thương mại tại các nước ASEAN đang có kế hoạch nâng cao sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Mới đây, ngân hàng Kasikorn của Thái Lan đã thành lập hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước Kasikorn, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và Maybank (Malaysia) cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam.
Kasikorn cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam và tiếp tục mở thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Ngân hàng này có kế hoạch chinh phục đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước khi ra mắt chính thức vào đầu tháng 3 vừa qua, Kasikorn đã từng có quá trình hợp tác với hai ngân hàng lớn của Việt Nam là Vietinbank và Agribank.
Mở rộng cửa cho ngân hàng ngoại
Với nhu cầu vốn ngày càng lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những doanh nghiệp FDI tại đây, rất nhiều ngân hàng thuộc các nước Asean muốn đón đầu xu thế này và tìm cách phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Gần đây nhất, vào năm 2013, Ngân hàng United Overseas (UOB) của Singapore cũng đã lên kế hoạch mua lại Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), nhằm biến GPBank thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời giúp tái cơ cấu các khoản thua lỗ.
Giao dịch này dù không được thực hiện vẫn ghi nhận tham vọng của các ngân hàng thuộc các quốc gia Asean đối với ngân hàng Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung.
Đến cuối năm nay, AEC sẽ chính thức được thành lập và một trong những mục tiêu của nó là thực thi hệ thống ngân hàng mở có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình.
Mức trần sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là 30%. Mặc dù vậy, việc dỡ bỏ hạn chế này sẽ không phải chuyện sớm chiều, khi Việt Nam mới chỉ đang trong quá trình xây dựng lộ trình hội nhập cho ngành ngân hàng.
Sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với nhóm các ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng có khả năng thu hút khách hàng là các doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào từ các công ty mẹ.
Ngân hàng nội cũng xuất ngoại
Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nội địa với mục tiêu củng cố hoạt động trong nước và xây dựng phát triển ngân hàng quy mô "cấp khu vực".
Các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam đã có mặt ở những thị trường nhỏ hơn như Lào và Campuchia. Trong khi đó tại Myanmar, một thị trường rất tiềm năng khác, mới chỉ có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được cấp phép thành lập văn phòng đại diện. Tại Singapore, thị trường tài chính lớn nhất khu vực cũng mới chỉ có Vietcombank mở văn phòng.
Mặc dù các ngân hàng Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư vượt ra ngoài lãnh thổ, nhưng sức mạnh về vốn, mạng lưới cũng như đa dạng sản phẩm của các ngân hàng thuộc nhóm “Ngũ hổ Asean” (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan) sẽ gây áp lực lớn lên các ngân hàng trong nước.
Theo ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc trung tâm phân tích và quản trị chiến lược của Techcombank, giải pháp duy nhất cho các ngân hàng nội là hợp tác với các ngân hàng Asean như DBS, OCBC hay Maybank, để cùng nhau phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cũng cho rằng việc thành lập cộng đồng kinh tế chung sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành ngân hàng trong nước còn lớn hơn những bất lợi về cạnh tranh.
Theo ông Ngọc, tài sản thuộc sở hữu của các Ngân hàng Asean thực tế vẫn còn nhỏ nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế. Vì vậy, hội nhập sẽ góp phần tạo ra các ngân hàng hùng mạnh hơn cũng như giúp mở rộng hệ thống khách hàng.
Asean hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại với Asean chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam trong năm 2014.
Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Asean đạt 19 tỷ USD, chiếm 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc các quốc gia Asean tại Việt Nam 53 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.