Hội nhập kinh tế quốc tế: Từ quan điểm của Đảng đến thực tiễn

TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản

(Tài chính) Ngày nay, hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, mạnh hay yếu đều tìm cách để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Việt Nam đã và đang bước vào nền hội nhập kinh tế với những lợi thế và thách thức.

 Hội nhập kinh tế quốc tế: Từ quan điểm của Đảng đến thực tiễn
Hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực là xu thế tất yếu. Nguồn: internet

Quan điểm của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế

Gần 30 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp nhưng trong các kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta luôn có những nhận thức xác đáng về thời đại, về thế giới và tình hình khu vực để trên cơ sở đó, định hướng những chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp, bám sát tình hình.

Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Ngày 05-02-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta tại Đại hội XI. Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Việc thực hiện chủ trương trên đây của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng với vị thế và vai trò ngày càng được khẳng định. Quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới ngày càng đi vào chiều sâu; hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác được mở rộng.

Xuyên suốt quá trình gần 30 năm đổi mới, có thể thấy quan điểm về đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là:

Một là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế; Việt Nam muốn làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

Hai là, tiếp tục tạo môi trường hoà bình và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ba là, mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; bình đẳng và cùng có lợi, giải quyết các bất đồng và các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình; chống mọi hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền.

Đối với hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta xác định:

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế là do yêu cầu nội sinh, do yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn liền với việc giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước; khẳng định mở cửa, hội nhập để khai thác các mặt có lợi cho sự phát triển kinh tế của ta từ nền kinh tế thế giới.

Thứ ba, chúng ta chủ động hội nhập, dựa vào nguồn lực trong nước là chính, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả.

Thứ tư, chúng ta phải nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu thị trường, xây dựng đồng bộ thị trường trong nước (thị trường hàng hoá, thị trường nhân lực, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản), để đủ sức hội nhập với khu vực và hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta và các đối tác.

Thứ năm, song song với việc xây dựng, phát triển đồng bộ thị trường, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng các doanh nghiệp vững mạnh. Doanh nghiệp là đội quân xung kích vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế.

Thứ sáu, chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, tích cực tham gia đàm phán thương mại, tham gia các diễn đàn, các tổ chức, các hiệp định, định chế quốc tế một cách chọn lọc với những bước đi tỉnh táo và thích hợp.

Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế qua gần 30 năm đổi mới

Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào tháng 01-2007 và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Cụ thể, ta đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, Nhật Bản vào năm 2008, Ôt-xtrây-lia và Niu Di-lân vào năm 2009, Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chi-lê năm 2011.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán 6 FTA khác, gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ka-dắc-xtan, với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm các nước Thụy Sĩ, Na-uy, Lích-tân-xten và Ai-xơ-len, FTA với Hàn Quốc và FTA giữa khối ASEAN với Hồng Công, Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực chủ động tham gia sâu vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đã đăng cai năm APEC 2006 và tiến tới sẽ đăng cai APEC năm 2017 với hàng trăm cuộc họp từ cấp chuyên viên đến cấp cao.

Quá trình gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Có thể đánh giá thành tựu, hạn chế ở những mặt sau:

Những kết quả đạt được

Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, quá trình mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam. Thể hiện trên những mặt chính sau:

Thứ nhất, về hoạt động xuất, nhập khẩu

Về xuất khẩu, quá trình tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua đã giúp Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên những lợi thế cạnh tranh: nguồn tài nguyên phong phú, nguồn lực lao động dồi dào, giá rẻ và sự ổn định chính trị và kinh tế - xã hội… Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu đã không ngừng tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ, cũng như mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trở thành động lực chính, quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Về quy mô, kim ngạch xuất khẩu không ngừng được tăng lên, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP. Nếu năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu mới đạt 789 triệu USD, thì năm 2013 đã cao gấp 167,5 lần, trong đó thủy sản gấp 63,4 lần; hạt tiêu gấp 42,9 lần; hạt điều gấp 200,8 lần; rau quả gấp 23,8 lần. Một số mặt hàng tuy vào các thời kỳ sau mới xuất khẩu, nhưng năm 2013 đã đạt quy mô lớn, trong đó có 22 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn tăng trung bình trên 15%/năm. Đặc biệt là thời kỳ từ sau khi gia nhập WTO đến nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao (trừ năm 2009 tốc độ tăng trưởng âm). Xuất khẩu hàng hóa/GDP vào năm 1988 mới đạt 18,9%, thì năm 2013 đã đạt 77,6%, cao gấp 4,1 lần năm 1988 và thuộc loại khá cao trên thế giới. Nếu tính cả xuất và nhập khẩu/GDP đã đạt 155,2%; nếu tính cả xuất khẩu dịch vụ thì đạt 169,1%, nằm trong tốp 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng.

Về cơ cấu, mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú, đa dạng, có nhiều nhóm hàng “chủ lực” đạt kim ngạch lớn. Cơ cấu mặt hàng mấy năm nay đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng hàng thô hoặc mới sơ chế giảm (từ 55,8% năm 2000 xuống còn khoảng 34% năm 2013), tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (tương ứng từ 44,2% lên 66%); trong nhóm hàng chế biến, hoặc đã tinh chế, hàng có kỹ thuật, công nghệ cao hơn (như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải…) tăng cao hơn.

Về hàng hóa của Việt Nam, nếu năm 1986 hàng Việt Nam mới có mặt ở 33 nước và vùng lãnh thổ, thì đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục, chủ yếu là châu Á. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2013, có 27 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên (Hoa Kỳ 23,87 tỷ USD, Nhật Bản 13,65 tỷ USD, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 13,26 tỷ USD, Hàn Quốc 6,63 tỷ USD…).

Trong quan hệ với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ nước nhập siêu lớn sang xuất siêu. Năm 1976, Việt Nam nhập siêu 801,4 triệu USD; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 360%. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã xuất siêu hàng hóa (năm 2012 là 749 triệu USD, năm 2013 là 9 triệu USD). Năm 2014 sẽ xuất siêu tiếp ở quy mô cao hơn 2 năm trước. Cán cân thương mại được cải thiện, cùng một số yếu tố khác đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, tăng an toàn tài chính và thanh khoản của quốc gia.

Xuất khẩu dịch vụ năm 2013 đạt 10,5 tỷ USD, cao gấp gần 2,5 lần năm 2005, bình quân 1 năm tăng 12,1%, là tốc độ khá cao. Khả năng, quy mô xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng tốc do Việt Nam mở cửa, hội nhập nói chung và mở cửa, hội nhập về dịch vụ ngày một sâu rộng hơn. Hiện nay, Việt Nam đã nhanh chóng phát triển một số ngành dịch vụ, như: Bưu chính, viễn thông, hàng không, hàng hải, tài chính, ngân hàng, du lịch… Phát triển xuất khẩu đã góp phần tạo thêm việc làm(1), tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với khu vực nông thôn. Phát triển xuất khẩu cũng có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ của người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về hoạt động nhập khẩu hàng hóa, cũng gia tăng mạnh mẽ. Năm 1995 so với 1985, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp gần 5 lần (8.155,4 triệu USD/1.857,4 triệu USD); năm 1996 kim ngạch nhập khẩu là 11.143,6 triệu USD, đến năm 2006 là 44.981,1 triệu USD, tăng gấp khoảng gần 4 lần so với năm 1996. Năm 2012 so với năm 2006, kim ngạch nhập khẩu tăng gấp hơn 2,5 lần (113.792,7 triệu USD/44.891,1 triệu USD).

Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, chiếm đến trên 80%/kim ngạch nhập khẩu; hàng tiêu dùng khoảng 10%/kim ngạch nhập khẩu, còn lại các hàng hóa khác. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nhiều hơn khu vực kinh tế trong nước.

Thứ hai, về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA

Kể từ khi Luật Đầu tư trước tiếp nước ngoài có hiệu lực (năm 1988), FDI vào Việt Nam ngày càng tăng cả về dự án, vốn đăng ký và số nước, vùng lãnh thổ. Tính đến hết năm 2013, đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 17.434 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 268 tỷ USD, vốn thực hiện đạt xấp xỉ 112 tỷ USD. Xét tỷ lệ trên GDP, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn hơn 5 lần so với Trung Quốc hay Ấn Độ trong 5 năm qua.

Khu vực doanh nghiệp FDI là khu vực luôn năng động và có đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. FDI đang tăng dần tỷ trọng trong GDP. Báo cáo tổng kết 25 năm FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích, tỷ lệ đóng góp của FDI vào GDP đã tăng từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% năm 2000; 16,98% (năm 2006); 18,97% (năm 2011) và nay là 20%. Thu ngân sách trong khối doanh nghiệp FDI tăng bình quân trên 20%/năm. Theo số liệu tại Bảng xếp hạng V1000 - Top 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, có tới hơn 30% trong bảng này là các doanh nghiệp FDI với 20.000 tỷ đồng thuế thu nhập.

Các dự án FDI đã tạo ra nhiều chỗ làm việc mới, góp phần làm giảm đáng kể nạn thất nghiệp. Tính đến nay, khu vực FDI tạo ra gần 3 triệu việc làm và tiền lương lao động của khu vực này luôn cao hơn mức trung bình cả nước.

Trong hoạt động xuất khẩu, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực FDI bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp tới 66,87% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2013. Mười tháng đầu năm 2014, khu vực FDI xuất khẩu 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%, đóng góp 67% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và vẫn liên tục xuất siêu.

Về thu hút ODA, tính từ năm 1993 đến hết năm 2013, tổng vốn ODA cam kết đạt 80.776 triệu USD, giải ngân đạt 40.367 triệu USD, tương đương với 3,36% GDP.

FDI và ODA vào Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng GDP, tăng vốn đầu tư phát triển xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội …

Thứ ba, thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, Việt Nam đã tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và cách quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, văn hóa - xã hội… góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế cũng đã góp phần đào tạo cho Việt Nam có được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế kinh tế thị trường, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tóm lại, sau gần 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhờ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định mà quy mô của nền kinh tế được mở rộng nhiều lần, do đó thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên đáng kể: Năm 2013, GDP đầu người đạt 1.940 USD so với 86 USD vào năm 1988. Chúng ta không những thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, mà còn bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình.

Những hạn chế và khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua còn bộc lộ không ít những khó khăn và hạn chế. Cụ thể:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn phát triển thiếu bền vững. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hợp lý và hiệu quả. Tình trạng phát triển dàn trải, không có trọng tâm của nền kinh tế trong điều kiện các nguồn lực hạn chế đang kìm hãm khả năng tăng trưởng vượt bậc và bền vững.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp. Cụ thể, năng lực cạnh tranh tổng hợp của Việt Nam năm 2013/2014 chỉ xếp thứ 70/148, thấp hơn 11 bậc so với năm 2010/2011. Khả năng tích lũy vốn nhân lực và tiến bộ công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn, biểu hiện ở mức năng suất lao động thấp và trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp còn khá lạc hậu.

Thứ ba, mặc dù hoạt động thu hút nguồn vốn FDI đã đạt được những kết quả khả quan và có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế, nhưng khu vực doanh nghiệp FDI vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Thị trường và đối tác FDI của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nước châu Á. Đầu tư từ Hoa Kỳ, EU và những nước OECD khác vào Việt Nam còn rất khiêm tốn nếu so với FDI của các nước đó vào Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Sin-ga-po, Ma-lai-xi-a. Tình trạng chuyển giá đã được phát hiện trong những năm gần đây gắn với tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn lao động. Việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là trong những ngành công nghệ cao như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy.

Thứ tư, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực khác chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thế. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập từ Trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Một số giải pháp để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Để khắc phục những hạn chế, vượt qua những thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới” trong tình hình mới gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Trước mắt, trên cơ sở nhận thức sâu rộng trong toàn Đảng, mọi tầng lớp nhân dân về yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, về các cơ hội và thách thức, cần tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò các cơ quan quản lý nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, tập hợp sức mạnh toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh cơ sở, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, hợp lý và củng cố, ổn định hệ thống và thị trường tài chính. Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng hợp lý trong từng thời kỳ dựa trên thông tin tích cực và dự báo chính xác, có căn cứ khoa học để từ đó đưa ra chính sách phù hợp.

Thứ hai là, rà soát, củng cố, hoàn thiện một cách căn bản thể chế thực thi và giám sát thực hiện các nghị quyết, chủ trương liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế (như Nghị quyết số 22-NQ/TW, Nghị quyết số 31/NQ-CP), gắn các chủ trương này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và việc xử lý nhanh nhạy các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy hiệu quả trong từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường phổ biến và làm cho các doanh nghiệp, người lao động nắm vững các chính sách, pháp luật, nhất là những nội dung liên quan đến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, về những cơ hội và thách thức khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế song phương và đa phương.

Thứ ba là, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã được xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác; chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia các thể chế đa phương. Chủ động trong việc lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán với từng đối tác. Xu hướng đàm phán, ký kết FTA giữa các nước với nhau là một xu hướng ngày càng phát triển trên toàn cầu, vì vậy, nếu Việt Nam không tham gia các thỏa thuận này thì khả năng hàng hóa, dịch vụ của ta tiếp cận vào một số thị trường sẽ gặp khó khăn.

Thứ tư là, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Tổ chức tốt công tác thông tin thương mại quốc tế, dự báo thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp, hiệu quả. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Thứ năm là, tiến hành cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước. Nâng cao cả chất lượng, hiệu quả thực thi các văn bản pháp quy. Tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách.

Thứ sáu là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển mạnh hệ thống đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động theo cung cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, khuyến khích người lao động tự kiếm việc làm, tạo cơ hội bình đẳng về đào tạo và lựa chọn việc làm cho người lao động.

Thứ bảy là, rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng nhất là đối với những sản phẩm chủ lực. Chuyển đổi căn bản cấu trúc kinh tế truyền thống theo hướng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng sạch, bền vững, “từng bước phát triển năng lượng sạch…

Thứ tám là, có chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, nhất là chế biến nông sản. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu và những cú sốc khi giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng, đồng thời, tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn. Thúc đẩy các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, ngành chế biến nông sản, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành này.

Thứ chín là, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với củng cố an ninh quốc phòng. Phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực của các cấp, các ngành để khắc phục những tiêu cực của cơ chế thị trường, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh./.
-----------------------------------------------------

(1) Năm 2010, có 3 triệu người tham gia làm hàng xuất khẩu trong ngành dệt may; ngành giầy da là 910.000 người; ngành điện tử là 460.000 người và thủ công nghệ 2,1 triệu người.