Hội nhập tài chính quốc tế: Cơ hội để phát triển
(Tài chính) Trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập nói chung và hội nhập tài chính được đánh giá là có bước đi hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước và tập trung bảo hộ các ngành có tiềm năng. Các phương án được xây dựng trên cơ sở ý kiến các Bộ, Ngành và Hiệp hội doanh nghiệp trong đó quan tâm đến lợi ích thiết thực của nền kinh tế như lợi ích xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh và phục vụ cho một số ngành sản xuất trong nước. Hội nhập tài chính cũng đã đóng góp đáng kể vào công cuộc cải cách kinh tế đất nước, thể hiện ở việc cải cách doanh nghiệp trong nước; tăng trưởng thương mại và cải thiện được môi trường đầu tư.
Lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do
Việc thực hiện các cam kết trong các FTA và tham gia các diễn đàn hợp tác là động lực để các doanh nghiệp đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ kinh doanh, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hội nhập kinh tế cũng đã tạo cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh do lợi thế đem lại từ việc mở cửa thị trường của các đối tác. Các ngành hàng chế biến nông sản được sắp xếp lại về qui mô, đổi mới công nghệ, chuyên môn hóa, tiếp thị để mở rộng thị trường.
Cán cân thương mại có chuyển biến rõ rệt, thương mại tăng nhanh. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước giảm, từ đó giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, năng lực cạnh tranh vì vậy cũng được nâng cao. Song song với đó, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, tự do hóa thị trường hàng hóa cũng tạo cơ hội cho thị trường dịch vụ phát triển, điển hình nhất là dịch vụ ngân hàng. Các doanh nghiệp nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư sản xuất hoặc thương mại ở Việt Nam sẽ cần sử dụng các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng của nước đầu tư. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận với hàng hóa đa dạng với giá cả rẻ hơn do hàng hóa phải cạnh tranh hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp thị trường trong nước tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định về nguyên liệu mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới thay thế các thị trường truyền thống.
Tính minh bạch, công khai và khoa học trong các văn bản quản lý và chính sách phát triển đang trở thành các yếu tố đánh giá tính tiến bộ của hệ thống quản lý. Năng lực trong quản lý, đánh giá, cảnh báo thị trường được quan tâm xây dựng và tăng cường. Công tác xây dựng chính sách dần thích hợp, đưa hệ thống chính sách của Việt Nam đến gần mức tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến rõ nét.
Phát huy khả năng chủ động, tích cực
Hướng tới mục tiêu tổng quát bao gồm phát huy khả năng chủ động, tích cực trong hội nhập và hợp tác tài chính và đóng góp thiết thực trong các diễn đàn hợp tác tài chính đa phương; gắn hợp tác tài chính với công tác hoạch định chính sách trong nước, đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia. Đồng thời gắn kết hơn nữa chính sách tài chính với các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp thông qua các hoạt động và các kênh để trao đổi thông tin hai chiều.
Đối với Liên minh Hải quan, mức độ cam kết của hai bên cũng ở mức trung bình so với các FTA ta đã ký kết, khoảng gần 90%, trong đó ta cũng đã cơ bản đạt được lợi ích mở cửa hơn đối với một số mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày và mở cửa đối với Liên minh Hải quan đối với một số mặt hàng máy móc thiết bị, sắt thép, ô tô, thủy sản, thịt, sữa.
Như vậy, đến thời điểm năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu khi ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế khu vực, các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường, triển khai thực hiện một số Hiệp định vừa ký kết nêu trên và gấp rút để đàm phán kết thúc các Hiệp định quan trọng khác như Hiệp định thương mại Việt Nam-EU và Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).Các Hiệp định thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương được đặt ra ngay từ khi bắt đầu đàm phán là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao nên các cam kết đòi hỏi sâu hơn nhiều các FTA trước đây. Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển và tham gia với tư cách là một thành viên độc lập với các nước ASEAN nên sức ép về mở cửa cũng sẽ tăng nhiều lần. Không chỉ riêng lĩnh vực tài chính mà còn trên nhiều các lĩnh vực đàm phán khác đều yêu cầu phải có những bước tiến và cam kết mạnh để có thể kết thúc đàm phán. Như vậy,với các Hiệp định thế hệ mới này mặc dù ta cũng sẽ đạt được một số lợi ích về mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng ta có lợi thế, nhất là đối với thị trường Hoa Kỳ, quốc gia mà ta chưa từng có ký kết FTA thì nhiều lĩnh vực và ta cũng cần phải có những cam kết mang tính đột phá đòi hỏi phải sửa đổi nhiều luật và quy định trong nước.
Như vậy, với các Hiệp định thương mại đã ký và đang đàm phán thì một số ngành được cho là có lợi thế của Việt Nam cũng sẽ phát huy được thế mạnh xuất khẩu hơn nữa như thủy sản, dệt may, giày dép và một số mặt hàng nông sản khác. Các mặt hàng này nhờ tận dụng được chính sách mở cửa từ các thị trường do FTA mang lại và khả năng mở rộng đầu tư sản xuất sau một thời gian dài thực hiện chính sách xuất khẩu thành công. Vấn đề của các ngành mà ta có lợi thế là tiếp tục tìm kiếm đa dạng các thị trường trong tương lai, tận dụng được lợi ích từ các FTA sắp tới mà Việt Nam đang tham gia để mở rộng thị trường.
Ngoài các ưu đãi về thuế được hưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu của ta cũng cần đặc biệt chú ý tới các rào cản phi thương mại như tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thị hiếu người tiêu dùng và chính sách của các nước sở tại để có thể phát huy được lợi ích từ các Hiệp định mang lại. Tuy nhiên, đi kèm với các lợi ích cũng có các thách thức đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành như công nghiệp máy móc và kể cả một số mặt hàng nông nghiệp truyền thống của ta cũng sẽ không thể tránh khỏi cạnh tranh từ các đối tác có cùng cơ cấu sản xuất do lợi thế về thuế giảm để có thể giữ được thị trường trong nước và xuất khẩu.