HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: Mở hướng đầu tư sang Lào

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Từ những thành công ở trong nước, gần đây HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản tại Lào. Đây là một bước đi mạnh dạn trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công: Mở hướng đầu tư sang Lào
Phó thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath trao Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Nguồn: internet
HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, có trụ sở chính đóng tại tỉnh Thái Nguyên, là doanh nghiệp đã có những thành công trong lĩnh vực thăm dò, khai khoáng và luyện kim. HTX luôn chú trọng đầu tư có chiều sâu. Nhờ đó, HTX đã khẳng định được thương hiệu mạnh là đối tác tin cậy với các bạn hàng trong nước và quốc tế. Hiện nay, các mỏ khai thác khoáng sản, các nhà máy luyện Fero silico mangan ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang vẫn duy trì sản xuất ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao phục vụ tốt cho công nghiệp luyện thép trong nước và xuất khẩu. Đối với HTX, thành công đó có vai trò không nhỏ của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đinh Huy Chiến.

Từ những thành công trong nước, gần đây HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã xúc tiến mở rộng đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản tại Lào. Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công, đơn vị thành viên của HTX trực tiếp đảm nhiệm trọng trách lớn lao này. Công ty đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào. Theo đó, Công ty CP Công nghiệp Lào, với 100% vốn đầu tư của HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã được thành lập.

Ngày 25/8/2012, tại Thái Nguyên, Công ty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác quặng thiếc, chì, kẽm, đồng, vàng tại hai tỉnh XiengKhuang và Huaphanh. Mục tiêu của dự án là thăm dò, tìm kiếm, khai thác, sau đó tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sâu nguồn quặng tại 2 tỉnh nói trên để có các loại sản phẩm phục vụ công cuộc phát triển của nước bạn Lào và xuất khẩu sang một số nước khác.

Sau khi được trao Giấy chứng nhận đầu tư, HTX đã ký hợp đồng với Liên đoàn INTERGEO thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để thực hiện dự án thi công tại hiện trường; công tác bản đồ địa hình; tiến hành đo vẽ lập bản đồ và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên toàn bộ diện tích được cấp… Tổng kinh phí thực hiện công tác đầu tư cho đến thời điểm giai đoạn 1 đạt trên 1,3 triệu USD. Theo đánh giá của Chính phủ và các ngành, địa phương liên quan của nước bạn thì tiến độ thực hiện dự án được bảo đảm.

Trong quá trình thực hiện dự án, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn Lào như: mở đường giao thông, xây dựng trường học, nhà ở cho người dân. Đặc biệt, HTX đã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho 5 sinh viên Lào đang theo học tại Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên và trong năm 2015 này, HTX tiếp tục hỗ trợ cho 20 sinh viên Lào sang học tập tại Thái Nguyên.

Với uy tín và sự nỗ lực đó, vào ngày 21/1/2015, tại Kỳ họp lần thứ 37 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam và Lào, diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath  đã trao Giấy phép thăm dò, khai thác quặng thiếc, chì, kẽm, đồng, vàng tại hai tỉnh XiengKhuang và Huaphanh cho HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công.

Nói về dự án, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đinh Huy Chiến cho biết: dự án bắt đầu triển khai thăm dò và khai thác ngay trong quý I.2015 để có nguyên liệu sản xuất thử nghiệm dây chuyền công nghệ tuyển khoáng và luyện kim vào quý IV.2015. Dự án thành công sẽ có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn đối với nước bạn Lào, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, gắn bó thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào anh em. Qua đây còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư hơn nữa giữa các doanh nghiệp của hai nước nói chung và của Thái Nguyên, XiengKhuang, Huaphanh nói riêng…