Huawei ráo riết tuyển hàng trăm kỹ sư công nghệ tại châu Âu để “đấu” với Mỹ?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền của ông đã coi Huawei như một mối họa với an ninh quốc gia và đưa Huawei vào danh sách theo dõi, hạn chế Huawei sử dụng công nghệ Mỹ.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Với bất kỳ ai nghĩ rằng Huawei Technologies đã suy yếu sau nhiều năm nước Mỹ siết chặt chính sách với doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, hẳn họ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc này đang ráo riết tuyển kỹ sư chip tại Munich – Đức, kỹ sư phần mềm tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ và nghiên cứu viên ngành trí tuệ nhân tạo tại Canada ngoài ra là hàng trăm nghiên cứu sinh hệ tiến sỹ tại Trung Quốc và ở nước ngoài.

Không những không hề bị suy yếu đi, hàng loạt các đợt tuyển dụng này cho thấy rằng công ty đang quyết tâm tìm đường tăng trưởng sau khi các biện pháp trừng phạt và áp lực chính trị từ Washington khiến cho ngành kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của doanh nghiệp trở nên vô cùng khó khăn.

Theo khảo sát của giới truyền thông, Huawei đang đăng tuyển hàng trăm vị trí kỹ sư tại khắp châu Âu và Canada liên quan đến các lĩnh vực thuật toán trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật xe tự lái, hạ tầng phần mềm và điện toán đám mây, phát triển chip và điện toán lượng tử - tất cả những lĩnh vực mà nước Mỹ đang đầu tư mạnh tay.

Hiện nay, Huawei đang không tuyển bất kỳ vị trí nào tại Mỹ.

Chuyên gia phân tích về chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, ông Chiu Shih-fang, nhận xét: “Những lĩnh vực mới đang phát triển này không thể nào chỉ dựa vào nhân lực địa phương để cạnh tranh mà cần đến nhân lực trên toàn cầu. Huawei từng quyên góp rất nhiều cho các chương trình nghiên cứu trong các trường đại học nhằm thu hút tài năng, tuy nhiên các biện pháp này gặp khó khi mà có sự can thiệp về chính trị. Huawei vì vậy phải tìm cách khác ví như tuyển dụng trực tiếp quy mô lớn tại nhiều nước nhằm giữ tính đa dạng cho nguồn nhân lực của nước này”.

Nhà sáng lập của Huawei, ông Nhậm Chính Phi, đã thừa nhận về nhu cầu nhân lực của Huawei. Ông đã từng nói về mục tiêu sẽ tuyển bằng được 8.000 sinh viên mới tốt nghiệp trong năm 2021 và tăng đáng kể ngân sách nghiên cứu.

“Năm 2021 và năm 2022 sẽ là 2 năm đầy thách thức với Huawei trong vấn đề tồn tại và phát triển chiến lược. Tài năng là yếu tố quan trọng nhất”, ông Nhậm từng nói.

Ông Nhậm cho biết công ty có kế hoạch rót hàng tỷ USD vào các công nghệ hàng đầu.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền của ông đã coi Huawei như một mối họa với an ninh quốc gia và đưa Huawei vào danh sách theo dõi, hạn chế Huawei sử dụng công nghệ Mỹ. Thay vào đó, Huawei đã lập tức tìm đến những nhà cung cấp ngoài Mỹ để có thể tồn tại, tuy nhiên sau đó Washington phản ứng bằng cách điều chỉnh chính sách thương mại. Năm 2020, Washington cấm tất cả các nhà cung cấp ngoại cung cấp sản phẩm có chứa công nghệ Mỹ cho Huawei trừ khi được phía Mỹ cấp phép.

Việc bị phía Mỹ đưa vào danh sách đen cho thấy những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Huawei, đặc biệt với công nghệ chip vốn vô cùng quan trọng trong các thiết bị của doanh nghiệp này. Huawei đã cố gắng bù đắp cho chỗ trống này bằng cách tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp chip nội địa.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, các biện pháp siết chặt với Huawei không hề giảm đi. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vào ngày thứ Năm tuần này cho biết bà không thấy có lý do gì để loại bỏ các doanh nghiệp đang trong danh sách đen còn Huawei cũng dự báo rằng các biện pháp cấm đoán từ phía Mỹ sẽ là chiến dịch dài hơi.