Hướng đi mới trong mô hình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
(Tài chính) Triển khai mô hình trực tiếp kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN), trong 9 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Chi nhánh) đã tổ chức ký kết tại 19 quận, huyện cho 365 doanh nghiệp và 67 hộ sản xuất kinh doanh và 1 hợp tác xã, với tổng hạn mức hỗ trợ là 9.225,64 tỷ đồng.
Có thể nói, việc chuyển từ việc nắm bắt tình hình khó khăn DN để tháo gỡ cơ chế chính sách sang mô hình trực tiếp kết nối ngân hàng – DN mà NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đang triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc trong việc tiếp cận và giải quyết khó khăn cho DN.
Cái khó ló cái khôn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh về việc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, thời gian qua, NHNN Chi nhánh đã có nhiều hoạt động triển khai thực hiện hỗ trợ DN với nhiều hình thức như chỉ đạo bằng văn bản triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của NHNN và các Quyết định của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Mặc khác, Chi nhánh còn phối hợp với các Sở/Ngành nắm bắt tình hình khó khăn DN, giải quyết các vướng mắc cho DN về vốn, về lãi suất, về thủ tục vay vốn, cũng như các vấn đề khác có liên quan trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, số lượng DN gặp khó khăn khá nhiều, điều kiện, tình hình của mỗi DN còn khác nhau cần có phân tích, làm rõ những DN đủ điều kiện được hỗ trợ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng trường hợp. Vì thế, sau thời gian triển khai nắm bắt thông tin khó khăn DN, Chi nhánh đã triển khai mô hình kết nối mới, chuyển từ việc nắm bắt tình hình khó khăn DN để tháo gỡ về cơ chế chính sách, sang trực tiếp kết nối ngân hàng – DN về vốn, về lãi suất, với từng trường hợp khó khăn cụ thể cho từng DN đang gặp khó khăn.
Theo đó, về quy trình thực hiện, trước hết, Chi nhánh phối hợp với các sở, ban, ngành và hiệp hội tại TP. Hồ Chí Minh như Sở Công thương, UBND các quận/huyện, các hiệp hội ngành nghề, ban quản lý khu chế xuất- khu công nghiệp chủ động thực hiện tìm hiểu khó khăn của DN liên quan đến hoạt động ngân hàng. Sau khi nắm bắt đầy đủ khó khăn DN, các đơn vị trên lập danh sách các DN có nhu cầu về vốn, về lãi suất gửi về cho Chi nhánh.
Ngay khi nhận được danh sách DN có nhu cầu vốn, Chi nhánh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ động tìm và hỗ trợ tín dụng cho từng khách hàng cụ thể đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các quận, huyện theo cách thức như: Các ngân hàng tham gia chương trình sẽ tăng hạn mức cho vay hoặc giảm lãi suất cho khách hàng theo danh sách Chi nhánh gửi đến, đồng thời chủ động tìm khách hàng có uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để đưa vào chương trình kết nối hỗ trợ lãi và vốn vay.
Cuối cùng, Chi nhánh phối hợp với Ủy ban nhân dân quận/huyện và Hiệp hội DN từng quận, huyện tổ chức kết nối trực tiếp dưới hình thức chương trình “Ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi”.
Hiệu quả của cách làm mới
Sau hơn một năm thực hiện, mô hình kết nối mới đã có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng DN các quận, huyện và mở ra một hướng đi mới, có hiệu quả trong việc tiếp cận và giải quyết khó khăn cho DN. Chương trình đã quy tụ được sự tham gia của 95 ngân hàng (trong đó có một số ngân hàng tham gia ký kết 2 đợt) đặc biệt có sự đóng góp lớn của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần: Công thương Việt Nam, Sài gòn Thương tín, Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Quân Ðội, Ðông Á...
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Chi nhánh đã tổ chức ký kết tại 19 quận, huyện cho 365 DN và 67 hộ sản xuất kinh doanh và 1 hợp tác xã, với tổng hạn mức hỗ trợ là 9.225,64 tỷ đồng. So với năm 2012, chương trình cũng đã mở rộng hơn về đối tượng được hưởng ưu đãi, nếu như trước đây chương trình chỉ dành cho DN nhỏ và vừa thì nay là tất cả các loại hình DN, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Mô hình mới trong quan hệ ngân hàng – DN
Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình kết nối mới, vào cuối năm 2012, Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chi nhánh tiếp tục nhân rộng mô hình kết nối trực tiếp ngân hàng – DN ra tất cả 24 quận/huyện của Thành phố. Đây có thể nói là một thành công rất đáng khích lệ về mặt chính sách.
Theo mô hình kết nối trực tiếp ngân hàng – DN, đối tượng khách hàng tham gia chương trình thuộc mọi loại hình DN, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực (không nhất thiết phải thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao) đều được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa bằng lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, thông qua chương trình, kết nối ngân hàng - DN, đã được nâng cao hơn một bước so với đối thoại DN đó là: “ký kết thật và làm thật”. Các khoản vay ngắn hạn được ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi tại lễ ký kết sẽ phải được thực hiện giải ngân theo đúng cam kết trừ trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay.
Có thể nói, qua hơn một năm thực hiện, chương trình kết nối trực tiếp ngân hàng - DN đã đi vào thực tiễn, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng DN, từng bước giảm chi phí lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo đó, phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay, Chi nhánh đang khẩn trương thực hiện phối hợp với các quận/huyện còn lại trên địa bàn để triển khai tổ chức nhân rộng mô hình kết nối mới đến tất cả các quận, huyện còn lại của Thành phố, phấn đấu hoàn thành sớm so với thời hạn đặt ra (tháng 10/2013). Thiết nghĩ đây là một mô hình tốt cần được nhân rộng ra toàn quốc, để hỗ trợ cho các DN, hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.