Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo Hồng Yến/vinhphuc.gov.vn

Theo các ngành chức năng, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây từ 25% đến 40%. Tuy nhiên, nếu mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ.

Từ năm 2009 đến nay, ngành đã điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cho 121 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Kết quả, 100% trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV. Tất cả các trường hợp đều được chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ tiếp cận dịch vụ đầy đủ trước, trong và sau khi sinh. Ngay sau khi trả kết quả khẳng định HIV sớm cho phụ nữ mang thai có test nhanh dương tính, cán bộ y tế sẽ tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV. Điều trị thuốc ARV sớm cho phụ nữ mang thai bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Trong quá trình điều trị, phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được theo dõi để bảo đảm tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế.

Hằng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế phối hợp thực hiện kế hoạch dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào tháng cao điểm; truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, nói chuyện, tư vấn, thảo luận nhóm tại các xã, phường, thôn bản và cụm dân cư; cấp, phát tờ rơi, sách mỏng, băng rôn, áp phích đến từng thôn, xóm, hộ gia đình; tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai khi đến khám thai lần đầu tại các cơ sở y tế.

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng thuốc ARV sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là phụ nữ nhiễm HIV, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường cung cấp thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện.

Hằng năm, tỉnh đều phát động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tổ chức và hướng dẫn các địa phương tại 100% xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động trọng tâm trong tháng cao điểm cũng như duy trì các hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai đối với chương trình. Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”, ngành Y tế phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.

Hiện trên địa bàn tỉnh, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn được cấp hoàn toàn miễn phí tại 5 điểm cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Trung tâm Y tế 9 huyện, thành phố.

Với mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cùng với việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và của các cấp lãnh đạo về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng vào các hoạt động này. Thực hiện dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và dự phòng có thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV.

Đồng thời, tổ chức xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng thuốc ARV, nhằm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xoá bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.