Triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2020 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp với tình hình dịch COVID-19, đặc điểm về kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng đơn vị.
Kết thúc Tháng cao điểm, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ngõ 8, Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội) trước ngày 20/7/2020 để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.
Mục đích của Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm:
Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm Thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và Phụ nữ mang thai nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện để đảm bảo giảm tối đa tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.