Để trả lời cho câu hỏi này, bài viết sẽ đề cập tới vấn đề đào tạo căn bản - bồi dưỡng, đào tạo lại nhằm có chứng chỉ hành nghề kế toán viên, kiểm toán viên (KTV) (Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và kiểm toán độc lập) cũng như sự chuyển đổi giữa các loại chứng chỉ này tại Việt Nam và quốc tế.
Thứ nhất, về chương trình và nội dung các môn học chuyên ngành kế toán, kiểm toán:
Căn cứ các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo cần bổ sung những môn học chuyên sâu nhất định, có phân định theo mức độ từ đơn giản - cơ bản đến phức tạp - chuyên sâu. Những môn học chuyên ngành cơ bản cần phải được thống nhất và đảm bảo nguyên tắc “là nền tảng, được thừa nhận và công nhận chung” trong quá trình thi và chuyển đổi các chứng chỉ.
Để thực hiện được điều đó đòi hỏi ngoài chương trình, nội dung còn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về yếu tố con người, vì con người là nhân tố quyết định đến sự thành công. Ngoài ra, có thể từng bước lồng ghép nội dung các môn học quốc tế trong chương trình giảng dạy.
Vận dụng linh hoạt “tính mở” trong việc đưa các môn học chuyên sâu như định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo thì chương trình vẫn có chương trình “cứng” và chương trình “mở”. Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh kịp thời, thậm chí là đón trước các môn học chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu xã hội. Chẳng hạn như lĩnh vực kiểm toán, cần có các môn học kiểm toán căn bản/kiểm toán đại cương và kiểm toán chuyên ngành (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, kiểm toán hoạt động, kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán môi trường, kiểm toán năng lượng…) nhằm đáp ứng được yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập.
Thứ hai, mở rộng các thành phần tham gia xây dựng chương trình và nội dung nhằm hướng tới sự thống nhất:
Mở rộng đối tượng tham gia xây dựng, góp ý, phản biện của chương trình và nội dung môn học với các thành phần bắt buộc là những cơ quan quản lý Nhà nước (Vụ Chế độ Kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kiểm toán Nhà nước) và những Hiệp hội ngành nghề (Hội Kế toán và Kiểm toán, các hiệp hội quốc tế về kế toán, kiểm toán...). Có như vậy, mới đáp ứng được sự thừa nhận rộng rãi về chương trình, nội dung của các cơ sở đào tạo, để từ đó tiến tới sự thừa nhận và công nhận lẫn nhau; thực hiện miễn, giảm, chuyển đổi nội dung các môn học trong quá trình chương trình học và thi các bằng cấp, chứng chỉ.
Mặt khác, cần phải đảm bảo sự thừa nhận, kế thừa giữa kế toán viên, KTV độc lập và KTV Nhà nước. Đối với kế toán, KTV độc lập thì cần thi đạt các môn thi do Bộ Tài chính tổ chức hàng năm; còn đối với KTV kiểm toán Nhà nước thì trải qua quá trình học và thi từ KTV dự bị, KTV và KTV chính. Nhằm hướng đến sự “giao thoa” giữa các chứng chỉ này cần thiết phải xây dựng chương trình và nội dung đào tạo đáp ứng được yêu cầu.
Thứ ba, phân định mức độ đào tạo đối với từng cấp học:
- Giai đoạn 1: Đào tạo cơ bản/nền tảng với các môn học căn bản (ví dụ minh họa chương trình kiểm toán).
Môn học kiểm toán căn bản/kiểm toán đại cương: Bao gồm các vấn đề cơ bản thế nào là kiểm toán, các cách phân loại kiểm toán và tác dụng của từng cách phân loại, các phương pháp kiểm toán cơ bản, kỹ thuật cơ bản, nội dung công việc của quy trình kiểm toán…
Môn học Pháp luật kiểm toán: Bao gồm các vấn đề pháp quy của kiểm toán quốc tế, của các nước phát triển; các vấn đề pháp quy của hệ thống kiểm toán Việt Nam (Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kiểm toán Nhà nước, các Nghị định hướng dẫn Luật, các thông tư hướng dẫn…).
Môn học Pháp luật kế toán: Bao gồm các vấn đề pháp quy về kế toán quốc tế, kế toán của các nước phát triển, các vấn đề cơ bản của hệ thống kế toán Việt Nam (Luật Kế toán, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn, chế độ kế toán các ngành…).
Môn học Luật kinh tế: Các vấn đề liên quan đến DN.
Môn học Lý thuyết thuế/thuế đại cương: Các vấn đề cơ bản liên quan đến các loại thuế (mục đích của các loại thuế, đối tượng, phương pháp xác định, nguyên tắc tính toán và hạch toán kế toán…).
Môn học Ngân hàng và các tổ chức tài chính: Đặc điểm về ngân hàng và các tổ chức tài chính; chế độ kế toán và cơ chế tài chính.
Môn học kỹ năng làm việc: Phương pháp làm việc và kiểm soát thời gian theo nhóm; đạo đức nghề nghiệp kế toán kiểm toán…
- Giai đoạn 2: Đào tạo cơ bản/nền tảng với các môn học chuyên sâu (ví dụ minh họa chương trình kiểm toán).
Môn học kiểm toán Báo cáo tài chính: bao gồm kiểm toán báo cáo tài chính lĩnh vực DN, lĩnh vực Nhà nước, lĩnh vực công…; các vấn đề cơ bản nguyên tắc và mục tiêu của kiểm toán báo cáo tài chính, nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính riêng, nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất, nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp; sự khác biệt giữa kiểm toán báo cáo tài chính của các loại hình… Như vậy, sau khi kết thúc môn học này người học sẽ hiểu được chuyển sâu về kiểm toán báo cáo tài chính.
Môn học kiểm toán Đầu tư xây dựng cơ bản: Nội dung và phương pháp kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản.
Môn học kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước.
Môn học kiểm toán môi trường.
Kiểm toán năng lượng…
- Giai đoạn 3: Đào tạo lại và bồi dưỡng
Trong quá trình sử dụng lao động thì cần thiết tính đến bồi dưỡng, đào tạo lại, cập nhật kiến thức và chuyển đổi giữa các loại hình KTV. Với vai trò là KTV thì nhất thiết phải có sự cập nhật kiến thức kinh tế - xã hội thường xuyên mới đáp ứng được yêu cầu. Việc cập nhật, bổ sung kiến thức ngoài bản thân cá nhân từng KTV thì các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động hay các Hiệp hội liên quan phải có trách nhiệm triển khai thực hiện. Hơn nữa, cần thiết phải có sự giao thoa chuyển đổi giữa KTV kiểm toán Nhà nước và KTV độc lập cũng như các chứng chỉ KTV quốc tế bằng các chương trình, những nội dung được thừa nhận lẫn nhau. Như vậy, các kiến thức chuyên sâu phải đảm bảo được trang bị sự nhằm đảm bảo sự chuyển đổi giữa hai loại chứng chỉ kiểm toán này. Bên cạnh đó, cần phải tính đến yếu tố hội nhập quốc tế của các chứng chỉ KTV Việt Nam nói chung, để hướng tới sự thừa nhận về mặt chứng chỉ, thừa nhận và tính pháp lý của các thông tin kinh tế tài chính đã được kiểm toán.
Thứ tư, thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, KTV
Hàng năm, các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước) đều có các đợt thi (đối với người Việt Nam) và sát hạch (đối với người nước ngoài) để cấp các chứng chỉ kế toán viên, KTV. Hoạt động này có thể được xem là căn cứ để cấp chứng chỉ song vẫn thể hiện những tồn tại căn bản, đó là những đối tượng không chuyên ngành về kế toán tài chính vẫn có thể được thi và cấp chứng chỉ (chỉ cần có yêu cầu tối thiểu các môn học liên quan đến kế toán tài chính)... Đối chiếu với việc học và thi các chứng chỉ quốc tế, thời gian tới cần tính đến phương án là yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ kế toán viên, KTV; vẫn mở các đợt thi hàng năm nhưng sẽ tổ chức nhiều đợt thi trong năm các ứng viên có thể tự lựa chọn môn học và thi, khi nào đủ các học phần sẽ được công nhận.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Kiểm toán độc lập;
2. Quốc hội, Luật Kiểm toán Nhà nước;
3. Kiểm toán Nhà nước, Quyết định 692/QĐ-KTNN và Quyết định 693/QĐ-Kiểm toán Nhà nước ngày 24/06/2013;
4. Các website chuyên ngành liên quan.
Hướng tới sự giao thoa về chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán
(Tài chính) Trước lộ trình hội nhập sâu rộng quốc tế nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, yêu cầu về cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng bắt buộc phải kiện toàn để thích ứng với mục tiêu phát triển. Vậy làm thế nào để dịch vụ kế toán, kiểm toán trên phương diện chứng chỉ và hành nghề của Việt Nam được khu vực, quốc tế thừa nhận?
Xem thêm