Hút vốn FDI qua M&A vẫn kẹt thủ tục pháp lý

Nguyễn Hưng Quang - Giám đốc Công ty Luật NH Quang và Cộng sự

(Tài chính) Kênh hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) qua hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) chưa thực sự thông suốt, do những vướng mắc liên quan đến các quy phạm văn bản pháp luật.

Hút vốn FDI qua M&A vẫn kẹt thủ tục pháp lý
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thủ tục thiếu thống nhất và chưa rõ ràng M&A không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư không nhỏ cho nền kinh tế, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận công nghệ, bí quyết về quản trị DN và sản xuất một cách linh hoạt, tạo cơ hội mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến hình thức đầu tư này chưa có được sự thống nhất và rõ ràng, nhất là thủ tục pháp lý, đang cản trở các kế hoạch đầu tư – kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trên thực tế, thủ tục sáp nhập, hợp nhất các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty nước ngoài và công ty 100% vốn Việt Nam cùng loại đang được quy định tương tự như trường hợp sáp nhập, hợp nhất các công ty đầu tư nước ngoài với nhau. Khung pháp luật điều chỉnh thủ tục này là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh và các văn bản liên quan khác.

Theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, thì việc hợp nhất các công ty đầu tư nước ngoài tùy thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty hợp nhất. Nhà đầu tư thực hiện một trong 2 thủ tục: hoặc thủ tục đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 49% vốn điều lệ trong công ty hợp nhất; hoặc thủ tục đăng ký kinh doanh nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 49% vốn điều lệ trong công ty hợp nhất.

Tuy nhiên, vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khái niệm nhà đầu tư nước ngoài… đang làm khó cho DN và cả cơ quan quản lý trong thực hiện những quy định này. Ví dụ, khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia M&A với một công ty Việt Nam đa ngành nghề, cơ quan quản lý yêu cầu công ty Việt Nam phải loại bỏ những ngành nghề mà Việt Nam hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết.

Hoặc với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% phần vốn góp của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên 100% vốn Việt Nam, thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hay thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để thay đổi chủ sở hữu công ty này?

Nếu theo thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối giải quyết do không đủ thẩm quyền. Còn nếu theo thủ tục đăng ký đầu tư, thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có được quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp? Mặc dù hai cơ quan cấp phép này trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, nhưng pháp luật đã không tạo ra được sự phối hợp giữa hai bộ phận thuộc cơ quan này.

Bên cạnh đó, DN nước ngoài hoạt động ở Việt Nam là một trong các đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh, nhưng hiện không có bất kỳ quy định pháp luật nào về cạnh tranh giải thích rõ khái niệm “hoạt động ở Việt Nam” của DN nước ngoài. Đó là hoạt động của DN có một nhà máy tại Việt Nam, một công ty con tại Việt Nam, một văn phòng đại diện tại Việt Nam, một chi nhánh tại Việt Nam, hay có một hợp đồng với các công ty tại Việt Nam? Sự không rõ ràng này đang gây không ít tranh cãi.

Có cần một quy định chung về M&A?

Có quan điểm cho rằng, một văn bản chuyên biệt quy định một cách tổng thể vấn đề M&A sẽ giúp việc áp dụng pháp luật được thống nhất và giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc tại các văn bản chuyên ngành.

Thực tế cho thấy, không thể có một văn bản pháp lý quy định chi tiết cho tất cả các hoạt động M&A, bởi hoạt động này trải dài trong nhiều lĩnh vực, đan xen trong nhiều quy định pháp luật riêng biệt.

Vấn đề cần được cân nhắc thấu đáo là hoạt động M&A chỉ có thể diễn ra một cách lành mạnh và phát triển khi môi trường pháp lý nói chung phát triển ở một mức độ nhất định cũng như nhận thức của các cơ quan quản lý về hình thức đầu tư này. Việc một văn bản được ban hành riêng rẽ để điều chỉnh hoạt động này chỉ có thể là giải pháp tạm thời. Do vậy, để có thể cải thiện được môi trường pháp lý cho việc thu hút FDI thông qua hoạt động M&A, xin đề xuất như sau:

Thứ nhất, hoạt động M&A đã được định nghĩa khá thống nhất tại những văn bản pháp lý cao nhất, như Luật Doanh nghiệp hay Luật Cạnh tranh. Những văn bản hướng dẫn thi hành của từng luật chuyên ngành phải thống nhất với quy định của luật và các văn bản chuyên ngành khác.

Thứ hai, các khái niệm pháp lý được quy định tại những văn bản pháp quy cần phải được thống nhất, như những khái niệm: nhà đầu tư nước ngoài, DN Việt Nam, tài khoản đầu tư, đồng tiền thanh toán, tài sản góp vốn…

Thứ ba, cần hoàn thiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, mở tài khoản đầu tư, thông báo về hành vi tập trung kinh tế… để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ tư, cần có một cơ quan quản lý hoặc theo dõi việc thực thi pháp luật thống nhất đối với hoạt động đăng ký kinh doanh và cấp chứng nhận đầu tư, không nên tồn tại nhiều hệ thống như hiện nay. Cơ quan này quản lý cả hoạt động M&A nói chung.

Thứ tư, nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để cho phép hoặc không cho phép việc M&A DN ở những hình thức khác nhau.

Thứ năm, nghiên cứu và ban hành quy phạm pháp luật cho phép DN Việt Nam được M&A toàn bộ hay một phần DN ở nước ngoài, hoán đổi cổ phiếu với các DN ở nước ngoài, niêm yết trên thị trường nước ngoài…