Huy động các nguồn lực xây dựng Chương trình nông thôn mới

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, hầu hết các tỉnh đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, đời sống của người dân khu vực nông thôn cũng tăng lên đáng kể.

Huy động các nguồn lực xây dựng Chương trình nông thôn mới

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, sau 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến nay ở khu vực phía Bắc đã có 31/31 tỉnh, thành kiện toàn xong bộ máy chỉ đạo cấp tỉnh. Trong đó, có 24/31 tỉnh, thành lập Văn phòng điều phối; 2/31 tỉnh thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh (tương đương cấp sở).

Trong 2 năm qua, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho 30 tỉnh (trừ TP. Hà Nội) là 2.055,3 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, đến nay, các tỉnh đã có quyết định phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và đang đẩy mạnh công tác triển khai.

Về công tác quy hoạch, đến cuối tháng 8/2012, toàn khu vực đã có 64,4% xã phê duyệt xong đề án qui hoạch xây dựng nông thôn mới, 36% số xã đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một trong những điểm nổi bật của phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua của các địa phương khu vực phía Bắc đó là giao thông nông thôn.

Việc kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đã trở thành các phong trào rộng khắp, đến nay, toàn khu vực phía Bắc đã và đang triển khai khoảng 4.000 công trình với 12.000 km, trong đó tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc khoảng 50%, đồng bằng sông Hồng khoảng 35% và Bắc Trung Bộ khoảng 15%. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay nên đã đẩy mạnh được việc xã hội hóa công tác này...

Theo kế hoạch, số vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bao gồm: Vốn ngân sách trung ương (Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn là khoảng 23%. Vốn trực tiếp cho chương trình để thực hiện các nội dung theo quy định là khoảng 17%). Vốn tín dụng khoảng 30%; vốn từ các DN, các loại hình kinh tế khác khoảng 20% và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Để thực hiện thành công Chương trình, Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực để tập trung xây dựng nông thôn mới trong đó có nguồn lực tài chính. Chính phủ đã xác định thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện. Trong đó cùng với thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ trên địa bàn và nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình này bao gồm cả trái phiếu Chính phủ thì cần huy động tối đa nguồn lực của địa phương.

Ngoài ra, cần huy động vốn đầu tư của DN đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; các khoản đóng góp tự nguyên của nhân dân và các nguồn vốn tín dụng, các khoản viện trợ không hoàn lại của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư...

Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính dự  án đầu tư đối với các xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại khu vực phía Bắc và phía Nam cho cán bộ một số bộ, ngành liên quan. Hội nghị tập huấn nhằm giúp các cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của cơ quan trung ương và địa phương nắm bắt được cơ chế tài chính thực hiện chương trình, đồng thời lắng nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm giúp các cơ quan hoàn thiện cơ chế tài chính cho chương trình trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế tài chính thực hiện chương trình quy định về nguồn vốn, cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán vốn thực hiện chương trình…

Được biết, ngay từ đầu năm để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách, giải pháp tài chính tổng hợp về lĩnh vực này. Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng, ban hành các cơ chế ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, tiếp tục triển tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các vùng khó khăn theo và hàng năm ngân sách Trung ương cũng bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, chương trình, nhiệm vụ, dự án quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, dự toán ngân sách Nhà nước chi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng với tốc độ cao qua từng năm. Việc đảm bảo bố trí chi từ NSNN cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng cao hơn tăng chi chung của NSNN, do đó đã tăng tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông thôn so tổng chi NSNN từ 32,8% (năm 2008) lên 39,8% năm 2011, bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.

Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều Bộ, ngành. Về phía Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu; Thực hiện rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các loại phí, lệ phí người nông dân phải đóng khi được cung cấp các dịch vụ công để đề xuất miễn, giảm cho nông dân; Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản...