Huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển cảng biển trong 10 năm tới
Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng từ 300.000-320.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 57.000 tỷ đồng.
Phát huy những kinh nghiệm về huy động vốn ngoài ngân sách trong 10 năm qua trong phát triển hệ thống cảng biển, thời gian tới, cơ chế huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện.
86% vốn ngoài ngân sách phát triển hệ thống cảng biển
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 20,6% tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.
Đáng chú ý, nguồn vốn đầu tư huy động đầu tư cho ngành hàng hải ngoài ngân sách Nhà nước chiếm tỉ trọng lớn, đạt hơn 173.000 tỷ, xấp xỉ 86% tổng số vốn đầu tư.
Trong đó, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Tập đoàn DP World - UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - TP. Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Nhờ thu hút được nguồn vốn đầu tư, hệ thống cảng biển Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2000, Việt Nam mới được đầu tư khoảng 20 km chiều dài cầu bến cảng, thông qua sản lượng hàng hóa 82,4 triệu tấn, thì đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có khoảng 96 km dài cầu cảng, tổng công suất trên 665 triệu tấn/năm, gấp 8 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện quy hoạch phát triển cảng.
"Sức hút" của cảng biển Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, khi ngay cả trong giai đoạn COVID-19, lượng tàu hàng vào các cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 con số.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, cảng biển Việt Nam tiếp nhận hơn 195.300 lượt tàu thông qua. Số lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài tăng trưởng tốt khi đạt hơn 24.700 lượt, tăng 11%; tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hơn 26.300 lượt, tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Việc tăng trưởng về lượt phương tiện giúp sản lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển cũng tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 209 triệu tấn.
"Có thể thấy, một đồng ngân sách bỏ ra làm “vốn mồi”, chúng ta đã huy động được 6 đồng ngoài ngân sách. Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành "mắt xích" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ việc hàng hóa xuất khẩu phải trung chuyển ở một nước thứ ba, đến nay, khu vực phía bắc Việt Nam đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu, vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore)”, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.
Hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 ước tính khoảng từ 300.000-320.000 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng); trong đó các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 57.000 tỷ đồng.
Để huy động được số vốn lớn này, đại diện Cục Hàng hải cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế và điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong đó, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn bảo đảm phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại. Không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn (bao gồm các cảng cửa ngõ quốc tế, cảng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội cả nước hoặc liên vùng).
Nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển quan trọng có sức lan tỏa, có hiệu quả kinh tế-xã hội lớn, chủ yếu là hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng, ngăn cát, hệ thống đường giao thông kết nối…).
Cơ chế mới sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cả hạ tầng công cộng tại cảng biển.
Đồng thời, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.