Cơ sở để huy động nguồn lực

Về chính sách

Tháng 9/2012, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn từ năm 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này được xem như là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam tập trung vào 3 mục tiêu chính: (1) Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; (2) Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; (3) Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Đồng thời, đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo (với chỉ tiêu giai đoạn 2011 – 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm);

Thứ hai, xanh hóa sản xuất (đến năm 2020, đạt giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 – 45%, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 80%, đầu tư các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên đạt 3 – 4%);

Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định 60%, cải thiện các khu vực bị ô nhiễm nặng đạt 100%…).

Hiện Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi từ tư duy đến hành động, tạo đà cho tăng trưởng bền vững. Điển hình, Việt Nam đã tích cực tham gia các hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, ký Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Chương trình nghị sự 21 toàn cầu… đồng thời cam kết thực hiện phát triển bền vững.

Tương ứng với các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành các chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm phát triển bền vững cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong các Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại các kỳ đại hội Đảng. Tiếp đến là các văn bản chính sách triển khai của Chính phủ như: Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam”; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020. Như vậy, hệ thống văn bản về định hướng cũng như những chính sách liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, trọng tâm là tăng trưởng xanh đã được ban hành xuyên suốt từ Trung ương bằng các nghị quyết của Đảng, đến các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch hành động của Chính phủ và của các địa phương.

Về nguồn lực

Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ phải cần tới 30 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ khi nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế. Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhận thức điều này, trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đã chỉ rõ 66 nhóm hành động cụ thể, trong đó 70% kinh phí sẽ huy động từ khu vực tư nhân. Đồng thời, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015, theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg, ngày 2/10/2012 (tổng vốn đầu tư 930 tỷ đồng); Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, ngày 9/1/2012, Quyết định số 57/QĐ-TTg (49.317 tỷ đồng); Chương trình Mục tiêu Quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định số 1206/QĐ-TTg, ngày 2/9/2012 (5.863 tỷ đồng); Chương trình Mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu, Quyết định số 1183/ QĐ-TTg, ngày 30/8/2012 (1.771 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, còn có thể khai thác nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nhà tài trợ nước ngoài như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức… đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực về thể chế chính sách, tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Để đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần tới 30 tỷ USD. Trong đó, 70% kinh phí sẽ được huy động từ khu vực tư nhân, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và từ các nhà tài trợ nước ngoài như: Thuỵ Điển, Đan Mạch, Đức...

Đề xuất, kiến nghị

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước thì Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều thách thức ở phía trước, bởi theo điều tra gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ, có khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu và 76% trong đó là từ thập niên 80 -90 của thế kỷ trước; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Trong khi, khảo sát của Tổng cục Thống kê, hiện có trên 95% DN Việt Nam thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Hơn nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam lại chậm trễ…. Do đó, để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần xoay chuyển cách thức quản lý kinh tế, tạo đột phá trong chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cần có cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh. Các nghiên cứu mới đây đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện mục tiêu nhằm giảm cường độ tiêu hao năng lượng của các ngành năng lượng, giao thông vận tải, sắt thép, dệt sợi, giấy trong thời gian tới.

Thứ hai, nghiên cứu và triển khai các chính sách, đặc biệt về thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng khuyến khích đổi mới, cải tiến, nâng cấp công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và tiêu hao năng lượng thấp.

Thứ ba, cần nghiên cứu phương án xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp.

Thứ tư, phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tăng trưởng xanh, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực và chủ động của cơ quan điều phối và giám sát thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh như Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ năm, cần đẩy mạnh các nghiên cứu đánh giá tác động đa mục tiêu của các chính sách tăng trưởng xanh để thiết kế những bước đi và chính sách phù hợp.

Huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ cho tăng trưởng xanh

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Theo xu hướng chung, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và quyết tâm theo đuổi mục tiêu này. Tuy nhiên, để Chiến lược đảm bảo thành công thì phải có nguồn lực, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính. Việt Nam cần làm gì để có một cơ chế hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh là vấn đề đặt ra.

Xem thêm

Video nổi bật