Huy động vàng trong dân

Theo thoibaonganhang.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, một trong những giải pháp chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước đó là NHNN mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhưng để thực hiện mục tiêu này cần phải hội đủ một số giải pháp: duy trì, củng cố giá trị đồng VND; chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng.

Huy động vàng trong dân
Thói quen tích trữ vàng đã ăn sâu vào tâm lý người Việt Nam. Nguồn: Internet

Việc chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) là một phần trong chiến lược giảm “vàng hóa” trong nền kinh tế. Sau khi thiết lập lại trật tự trên thị trường, bài toán tiếp theo của NHNN là làm thế nào huy động được nguồn lực vàng không nhỏ trong dân để chuyển hóa thành vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Phóng viên xin chuyển đến bạn đọc một số quan điểm về vấn đề này.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Phải hội tụ điều kiện cần và đủ

Thời gian qua, NHNN đã xem xét tính toán cụ thể khả năng tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các TCTD chấm dứt việc huy động vàng. Sau khi tính toán cụ thể, việc NHNN trực tiếp đứng ra huy động vàng từ dân cư có một số điểm bất lợi: chi phí bỏ ra khá lớn, số vàng huy động được nếu đi đầu tư ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay thì có thể NHNN sẽ phải chịu lỗ, do mất phí chuyển đổi thành vàng tiêu chuẩn quốc tế, trong khi tỷ suất sinh lời rất thấp.

Ngoài ra, NHNN còn phải chịu rủi ro về thanh khoản vàng như các TCTD khi người dân đến rút vàng. Trên thực tế, qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, cũng không có ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng từ dân cư trong giai đoạn hiện nay do những rủi ro về giá vàng và vấn đề thanh khoản.

Một trong những giải pháp chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước đó là NHNN mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Nhưng để thực hiện mục tiêu này cần phải hội đủ một số giải pháp: duy trì, củng cố giá trị đồng VND; chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng; và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long: Nên thành lập Sở giao dịch vàng

Về phía Hiệp hội chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc giữ vàng trong dân đã là tập quán của người dân Việt Nam và phải trong nhiều năm nữa mới có thể thay đổi tập quán đó. Nhưng nếu con số vàng trong dân lên đến 200 – 300 tấn thì rất nên suy nghĩ về những giải pháp để làm sao đưa nguồn lực quan trọng đó vào phát triển kinh tế, đồng thời giúp người dân yên tâm gửi gắm tài sản cho Nhà nước, còn hơn là giữ ở nhà để chịu rủi ro.

Đây là việc có lợi đôi đường. Còn giải pháp nào cũng tùy thuộc vào thời điểm, chính sách, diễn biến kinh tế, tài chính. Hiện, NHNN đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề về thị trường vàng nên sẽ có điều kiện thuận lợi để nghiên cứu về vấn đề này.

Hiệp hội đã đề xuất NHNN phương án huy động vàng trong dân qua phát hành chứng chỉ vàng. Chứng chỉ vàng đó được coi như là loại giấy tờ có giá, được luân chuyển cầm cố… tùy theo nhu cầu của người nắm giữ. Ngoài ra Nhà nước có thể nghiên cứu đưa ra giải pháp thuyết phục người dân bán vàng thay vì chỉ cho “mượn”. Như vậy, sẽ đáp ứng nhu cầu cho thị trường, và cũng giảm lượng vàng vật chất trong lưu thông.

Hiện NHNN đưa ra một số chính sách ổn định, nhưng về lâu dài nếu không khéo vàng vật chất quay trở lại. Nếu giá vàng thế giới vẫn sốt, người ta thấy có lợi thì việc nhập lậu vàng, kinh doanh vàng miếng sẽ “sôi động” trở lại. Theo tôi, một giải pháp NHNN có thể tham khảo đó là thành lập Sở giao dịch vàng. NHNN là người quản lý trực tiếp và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng là thành viên. Qua đó vừa quản lý thị trường vừa thu hẹp lượng vàng vật chất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng: Vàng tích trữ sẽ giảm khi kinh tế vĩ mô ổn định

Để huy động vàng trong dân theo tôi, nên thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Ở đấy mọi thông tin rõ ràng, chính xác, cập nhật và nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia. Còn lúc này chỉ có những DN kinh doanh vàng được cấp phép mới được giao dịch mua bán. Nếu người dân muốn mua, bán vàng phải qua đầu mối đó. Trong tương lai, nếu có sàn vàng sẽ tạo môi trường để người dân mua bán vàng tiện lợi, dễ dàng hơn. Đây là một cách huy động vàng trong dân. Họ sẽ mang vàng ra mua, bán thay vì tích trữ ở nhà.

Cũng có những lo ngại hệ lụy sàn vàng, nhưng theo tôi, hoạt động sàn vàng trước đây tương đối hạn chế do môi trường giao dịch không phổ biến, nhất là chưa được điều hành theo đúng quy luật thị trường; các quy định luật pháp lỏng lẻo. Còn thời điểm này việc thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia là khả thi, nếu chúng ta vận hành sẽ quy củ, sẽ có hiệu quả. Bởi, sau khi trạng thái vàng được tất toán, giá cả ổn định, trật tự thị trường sẽ ngày càng tốt...

Song, xét cho cùng và quan trọng nhất là sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ làm cho người dân không còn mong muốn giữ vàng. Khi đồng VND ổn định, người dân sẽ không mặn mà tìm đến vàng hay ngoại hối làm nơi trú ẩn.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Lộ trình thực hiện phải linh hoạt, kiên nhẫn

Trong các giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế, NHNN muốn huy động nguồn lực vốn “chết” này đưa vào phát triển sản xuất, kinh doanh. NHNN đưa ra mục tiêu này là đúng, để không lãng phí nguồn lực, nhưng lộ trình thực hiện phải linh hoạt.

Theo tôi, trước đây, người dân gửi vàng vào ngân hàng theo hình thức, đem tiền đồng vào ngân hàng thương mại (NHTM) và chọn kênh gửi vàng, nói cách khác đây là hình thức gửi vàng danh nghĩa. Việc chấm dứt huy động vàng bằng hình thức này là hợp lý. Nhưng để huy động được nguồn lực vàng trong dân, NHNN có thể cho phép các NHTM huy động vàng nhưng là “vàng thật”, chứ không phải vàng ghi trên giấy, không phải chứng chỉ vàng.

Ví dụ, NHTM huy động được 1 tấn vàng, thì phải là vàng thật. Cùng với đó, NHNN không được cho NHTM đem bán vàng huy động đó để lấy tiền VND cho vay. Mà NHNN có thể sử dụng nguồn vàng đó, chiết khấu lại cho NHTM với lãi suất tượng trưng. Như vậy, NHNN có thể thay dự trữ ngoại tệ bằng dự trữ vàng.

Ngoài ra, để hạn chế đầu cơ vàng, một số nước áp dụng chính sách đưa chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra tương đối cao. Lúc đó, khi đi mua vàng, người dân có thể mua với giá rất cao. Nhưng khi người dân đem vàng đi bán cho DN, ngân hàng thì chỉ ở mức giá thấp hơn giá bán nhiều. Với mức chênh lớn, thì người mua vàng chỉ có thể “mua đứt, bán đoạn” chứ không có hiện tượng đầu tư, lướt sóng.

Cùng với các giải pháp đó, quan trọng và bền vững hơn nữa là chúng ta phải tiếp tục ổn định vĩ mô. Khi niềm tin của người dân vào VND được củng cố, tăng lên thì không ai mua tích trữ vàng nữa. Chúng ta không thể nói chặn đứng được ngay việc tích trữ vàng trong dân mà phải kiên nhẫn, khi mà lạm phát được kiểm soát, hoạt động kinh doanh hồi phục, thì tích trữ vàng trong dân sẽ giảm dần, rồi tự chấm dứt.