IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo Reuters, WSJ

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ hai trong năm và cảnh báo nguy cơ nền kinh tế tiến gần đến khủng hoảng trên toàn thế giới.

IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới phát hành ngày 8/10, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,6% trong năm 2013, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 7 là 3,5% và 3,9%.

Nguyên nhân do hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn tiếp tục trì trệ và những bất ổn chính trị đang đe dọa đến sự phục hồi của Mỹ và khu vực đồng euro (eurozone). Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi dù được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp 4 lần các nền kinh tế phát triển (5,3% so với 1,3%) nhưng IMF đặc biệt hạ dự báo tăng trưởng Ấn Độ và Brazil, hiện đang tăng trưởng với tốc độ thấp hơn cả của Mỹ hồi năm 2011 do xuất khẩu và tiêu dùng nội địa suy giảm.

IMF dự báo kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng khoảng 4,9% trong năm 2012, thấp hơn 1,3% so với dự báo trước đó. Brazil sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay nhưng sẽ tăng tốc lên 4% trong năm tới nhờ hiệu quả của các công cụ chính sách thực thi trong thời gian qua.

IMF bày tỏ lo ngại về khả năng kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ của các nhà hoạch định chính sách châu Âu cũng như việc quốc hội Mỹ không thể thống nhất ý kiến về kế hoạch tài khóa. IMF cho rằng tình hình tài chính có thể tiếp tục không khả quan trong ngắn hạn. Theo IMF, hai vấn đề cần quan tâm hơn cả vẫn là những vấn đề của Mỹ và châu Âu. Đối với Mỹ, nước này cần tránh cái gọi là “vực thẳm tài khóa’’ - gia tăng hàng loạt loại thuế và cắt giảm chi tiêu, tăng trần nợ của chính phủ - và thống nhất về kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách. Với châu Âu, giải quyết khủng hoảng khu vực là ưu tiên hàng đầu, điều này đòi hỏi những cải cách trong hệ thống tài khóa và ngân hàng.

Tại cuộc họp thường niên của IMF được tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) trong tuần này, quan chức các nước thành viên dự kiến sẽ gây nhiều áp lực lên Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn khủng hoảng sâu lan rộng toàn cầu.