Iran sẽ kiện Mỹ về biện pháp trừng phạt nhằm vào vận tải biển

Theo Lan Phương/bnews.vn

Iran sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) liên quan các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các dịch vụ vận tải biển của nước này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 12/11, ông Mohammad Rastad - giám đốc Tổ chức hàng hải và cảng biển Iran cho biết Iran sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) liên quan các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các dịch vụ vận tải biển của nước này.

Press TV dẫn lời ông Mohammad Rastad nêu rõ Iran sẽ gửi khiếu nại tới IMO ở London (Anh) vào tuần tới, phản đối "các biện pháp trừng phạt tàn ác của Mỹ đối với vận tải biển". Ông khẳng định khiếu nại của Iran dựa trên các điều luật quốc tế liên quan lĩnh vực hàng hải.

Trước đó, đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran, Brian Hook ngày 7/11 cảnh báo các nước và các nhà điều hành cảng biển có thể bị phạt nếu cho phép các tàu của Iran tiếp cận các tuyền đường biển và cảng biển quốc tế, cụ thể từ Kênh đào Suez tới Eo biển Malacca và tất cả cảng biển nằm trong khu vực này nơi các tàu hàng chở dầu Iran đi qua.

Trong khi đó, Phó Tư lệnh Hải quân Iran, Thiếu tướng Mahmoud Mousavi khẳng định các lực lượng quân đội của nước này sẽ bảo vệ các tàu chở dầu của Tehran trước các đe dọa của Mỹ tại các vùng biển quốc tế.

Mỹ đã áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 năm nay.

Đợt trừng phạt đầu tiên có hiệu lực từ 2 tháng trước nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác.

Đợt trừng phạt thứ hai có hiệu lực từ ngày 5/11 nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran. Hơn 700 cá nhân và thực thể của Iran đã bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington đã tạm miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt lần này đối với 7 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và Hy Lạp cùng Đài Loan (Trung Quốc), theo đó cho phép các nước và vùng lãnh thổ này tiếp tục mua dầu mỏ của Iran.