Khoa học và công nghệ - động lực của kinh tế biển

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

Đến thời điểm này, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ còn 2 năm là kết thúc. Trong giai đoạn mang tính nước rút này, yêu cầu đặt ra là phải phát triển kinh tế biển bền vững. Theo đó, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Nguyễn Chu Hồi cho rằng, khoa học và công nghệ phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển.

Khoa học - công nghệ cần được coi là động lực của kinh tế biển trong giai đoạn mới. Nguồn: Internet
Khoa học - công nghệ cần được coi là động lực của kinh tế biển trong giai đoạn mới. Nguồn: Internet

Kết quả tích cực nhưng chưa bền vững

Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X thông qua tháng 2/2007, xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển là: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác và chế biến hải sản; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển du lịch và nghỉ dưỡng biển; tăng cường xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Song song với đó, Nghị quyết cũng định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo. Mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bằng chứng là theo Tổng cục Du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 2,14 triệu lượt người năm 2000 lên hơn 10 triệu lượt năm 2016 và 12,9 triệu lượt năm 2017; khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh, tương ứng từ 11,2 triệu lượt đến 62 triệu lượt và 73,2 triệu lượt.

Chỉ tính riêng năm 2017, khách du lịch đến 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt khoảng 60 triệu lượt. Cũng trong năm này, tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt khoảng 22,6 tỷ USD; trong đó, doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành.

Đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục gia tăng. Theo đó, giai đoạn 2007 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng là 22%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 13%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng theo các năm, từ 427,3 triệu tấn (năm 2015) lên khoảng 511,6 triệu tấn (năm 2017).

Ngoài ra, hiện cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích gần 845.000ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư; 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600ha. Các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn thiếu bền vững. Chẳng hạn, đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước từ 48% năm 2005 giảm xuống còn 40,73% năm 2010 và năm 2017 ước đạt 30,19%.

Thu nhập bình quân của người dân sống ở 28 địa phương ven biển dù tăng trong giai đoạn 2006 - 2016 nhưng vẫn thấp hơn so với cả nước.

Cụ thể, năm 2006, thu nhập bình quân của người dân ở 28 tỉnh, thành này là 627 USD/người, trong khi mức trung bình của cả nước là 637 USD/người; năm 2016 là 3.035 USD/người, thấp hơn mức 3.049 USD/người của cả nước…

Khẩn trương hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế biển

Đến thời điểm này, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ còn 2 năm là kết thúc. Trong giai đoạn mang tính nước rút này, yêu cầu đặt ra là phải phát triển kinh tế biển bền vững.

Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để bảo đảm phát triển kinh tế biển bền vững, trước hết, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế biển, đặc biệt các quy định pháp lý về đặc khu kinh tế; quy định khai thác nguồn lực trên biển; quản lý các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản theo thông lệ và cam kết quốc tế; khai thác nền tảng công nghệ thông tin và thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để kết nối đội tàu cá; phát triển đô thị thông minh ven biển và các dịch vụ về biển. Cùng với đó, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của kinh tế biển.

Theo các chuyên gia, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 sẽ tạo tiền đề vững chắc để kinh tế biển bước sang giai đoạn chiến lược mới với tầm nhìn mới. Khi tiềm lực đất nước mạnh hơn, kinh tế biển có sức cạnh tranh đáng kể sẽ đóng góp lớn hơn vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Nguyễn Chu Hồi cho rằng, khoa học và công nghệ phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển.

Theo đó, Nhà nước cần khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cân nhắc các vấn đề môi trường - tài nguyên biển và rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, bên cạnh việc bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh - quốc phòng và mở rộng tầm giao lưu, ảnh hưởng ra quốc tế, chiến lược biển cần tiếp cận với chiến lược mới. Đó là tiếp cận đại dương để tương xứng với tầm nhìn và vị thế mới.

“Trong giai đoạn tới, các quốc gia cạnh tranh trên đại dương sẽ khốc liệt hơn nhằm tranh giành ảnh hưởng và khả năng kiểm soát đại dương. Đây sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá tiềm lực quốc gia nên phát triển kinh tế biển cần đi trước một bước”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.